Nhìn lại thế giới 2017: Một năm chứng kiến "cả hy vọng và sợ hãi" 

Hãng tin Tân Hoa xã vừa có bài nhận định về năm 2017, theo đó năm nay đã chứng kiến "cả hy vọng và sợ hãi" trong một thế giới ngày càng phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.
Nhìn lại thế giới 2017: Một năm chứng kiến "cả hy vọng và sợ hãi"


Theo bài viết, 2017 là một năm đầy biến động, với những thay đổi đánh dấu sự hình thành một thế giới bị chia rẽ chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ hoặc đơn phương "tái xuất hiện" tại một số nước, toàn cầu hóa đối mặt với "cơn gió ngược" về mặt chính trị, trong khi sự bất ổn và bất trắc hiện hữu.

Trên chính trường thế giới, với chính sách "Nước Mỹ trước tiên," kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã bãi bỏ hoặc đe dọa rút Mỹ khỏi một số thỏa thuận quốc tế. Washington đã rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đồng thời chấm dứt tham gia Thỏa thuận toàn cầu về nhập cư, khiến những đồng minh thân cận của Mỹ phải thất vọng. Theo bình luận của tờ The Guardian, những diễn biến trên cho thấy "Hình ảnh nước Mỹ bắt đầu rạn vỡ."


Trong năm 2017, các cuộc bầu cử ở châu Âu - như tại Hà Lan, Pháp, Đức và Áo - đã "giáng thêm một đòn" vào tình trạng rối loạn của thế giới. Tại Berlin, không thành lập được chính phủ đa số sau cuộc bầu cử quốc hội, Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn nếu phải tiến hành một cuộc bầu cử lại.

Tại London, tiếp theo những khó khăn của Thủ tướng Anh Theresa May trước các cuộc đàm phán để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hiện đã xuất hiện nỗi lo sợ lan rộng rằng sự hoài nghi châu Âu và nỗi sợ hãi châu Âu gia tăng. Giới phân tích cảnh báo việc nước Anh rời khỏi EU đặt ra thách thức có hệ thống đối với tương lai của sự thống nhất châu Âu.

Ở những khu vực khác trên thế giới cũng xuất hiện những “rạn nứt.” Các hành động đáp trả lẫn nhau giữa Nga và Mỹ leo thang, dẫn đến những lệnh trừng phạt mới và trục xuất ngoại giao. Tại khu vực Trung Đông hỗn loạn, sau tình trạng bạo lực tại Syria và Yemen, đến lượt Qatar nhiều dầu mỏ bị các quốc gia láng giềng Arab cô lập. Quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng góp phần vào tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Bài viết của Tân Hoa xã cũng cho rằng dù có nhiều trở ngại, song năm 2017 cũng chứng kiến những hy vọng nhờ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
 

Cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại al-Qaim tỉnh Anbar, Syria, gần biên giới Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - từng gây ra bạo lực và tàn sát ở những nước vốn đang chìm trong bất ổn - đã thất thủ ở Iraq và Syria, cùng với đó là khả năng tổ chức của IS tan vỡ. Khi địa bàn hoạt động còn lại của IS bị thu hẹp, một giai đoạn mới dường như bắt đầu nhen nhóm ở Syria. Một vòng đàm phán quốc tế mới do Nga chủ trì về cuộc xung đột tại Syria sẽ được tổ chức tại Astana (Kazakhstan) vào ngày 21/12 tới được kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều kết quả cụ thể hơn sau tám vòng đàm phán về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) không mang lại kết quả như mong đợi.

Năm 2017 cũng chứng kiến sự khởi đầu nghiêm túc để tiến tới quá trình hòa giải dân tộc ở Palestine nhằm chấm dứt hơn một thập kỷ xung đột nội bộ giữa phong trào Hồi giáo Hamas, vốn kiểm soát Dải Gaza, với phong trào Fatah vốn kiểm soát phần lớn Bờ Tây, sau khi chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay phong trào Hồi giáo Hamas hồi tháng 10.

[Liên hợp quốc dự báo kinh tế thế giới vẫn ổn định trong 2 năm tới]

Ngoài ra, cũng đã có những tia hy vọng về kinh tế toàn cầu sau một giai đoạn suy thoái kéo dài. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tăng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017 và 2018 sau khi sự phục hồi kinh tế trên diện rộng ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Theo IMF, sự phục hồi này tạo ra cơ hội để tiến hành các cải cách quan trọng.

Bài viết nhận định khi năm cũ mở ra cánh cửa cho năm mới, sự thống nhất và hợp tác vẫn đóng vai trò thiết yếu trong một thời đại chứng kiến sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, khiến các nước cần chung tay gánh vác trách nhiệm./.

664 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 408
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 408
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88618767