Nhìn lại thế giới 2017: Kinh tế vào mùa 

(Chinhphu.vn) - Năm 2017, nền kinh tế toàn cầu trải qua giai đoạn thuận lợi nhất với mức tăng trưởng và lạm phát không quá "nóng" cũng không quá "lạnh". Tuy nhiên, 10 năm sau sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, vẫn còn đó những cảnh báo rằng nợ nần sẽ trở thành một mối rủi ro lớn.
Nhìn lại thế giới 2017: Kinh tế vào mùa
Viễn cảnh đối với nền kinh tế toàn cầu hiện dường như khả quan nhờ lấy lại được tốc độ tăng trưởng ổn định sau một năm chứng kiến nhiều dao động do ảnh hưởng của cuộc bỏ phiếu Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng như các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kinh tế Mỹ đang rục rịch tăng trưởng cùng với chu kỳ mở rộng dài nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Trung Quốc, đầu tàu tăng trưởng toàn cầu trong mấy chục năm gần đây, vẫn tiếp tục đà phát triển của mình. Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cuối cùng cũng bắt đầu phát triển với một tốc độ vừa phải sau nhiều năm yếu ớt. Các quốc gia đang nổi như Brazil được kỳ vọng sẽ phục hồi sau thời kỳ suy thoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng thêm 3,7% trong năm 2018 gợi lên những niềm lạc quan vốn không nhiều trong hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các chính phủ có thể hài lòng với mình mà cần thận trọng. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng nhấn mạnh các chính phủ cần xử lý ngay các vấn đề tiềm tàng. Cụ thể, những rủi ro vào thời điểm này có thể bắt nguồn từ các công ty tư nhân mắc nợ khó trả. IMF, OECD và các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng lượng lớn công ty vốn đổ xô đi vay vào thời điểm lãi suất cực thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện sẽ phải đối mặt nợ khó trả trước nguy cơ lãi suất tăng cao. Tổng Thư ký OECD Angel Gurria gần đây nhận định: "Số tiền nợ của các công ty tư nhân và tập đoàn đã đạt con số kỷ lục ở nhiều nước". Vì vậy, các công ty được gọi là "công ty zombie", tức công ty mắc nợ không thể trả được, đang nằm ở tuyến đầu rủi ro. Tại thời điểm lãi suất cực thấp, các công ty hoạt động không có lãi tồn tại được là nhờ tiền vay để cầm cự hoạt động của mình. Vì vậy, khi lãi suất tăng, đã bắt đầu ở Mỹ và sẽ có thể xảy ra ở Eurozone trong một vài năm tới, chi phí của những khoản đi vay sẽ đội lên nhanh chóng buộc các công ty này phải tái cấu trúc hoặc phá sản. Khi ấy, một làn sóng mất giá và vỡ nợ đối với trái phiếu có thể nhanh chóng gây ra cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu.

Tại thời điểm này, Trung Quốc lại đang nằm trong quan ngại. Hồi đầu tháng 12, IMF cảnh báo rằng hàng chục ngân hàng quan trọng ở Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ các "công ty zombie" sụp đổ. Trung Quốc vốn chủ yếu dựa vào các hoạt động xuất khẩu và đầu tư nhờ nợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trong một số trường hợp, một số ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với sức ép cho các công ty có vai trò về mặt chính trị tiếp cận khoản vay khi chính quyền địa phương muốn duy trì tỷ lệ việc làm cao ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cạn tiền tiếp tục hoạt động.

Ngoài vấn đề nợ nần, một số nhà kinh tế cũng bắt đầu lo ngại liệu tiền ảo có thể tác động cuộc khủng hoảng trong tương lai hay không. Giá trị đồng tiền ảo bitcoin đã vượt mốc mới trong năm nay, từ dưới 1.000 USD hồi tháng 1 vượt đến hơn 18.500 USD và thậm chí gần 20.000 USD vào tháng 12 trong bối cảnh đồng tiền này đã bắt đầu lên sàn giao dịch hợp đồng tương lai CBOE ở Chicago hôm 10/12. Giới chuyên gia cảnh báo sự tăng giá ngoạn mục của bitcoin là dấu hiệu đầu tiên cho sự tồn tại của loại bong bóng đầu tư mới. Trong khi đó, nhiều người đang mua vào bitcoin ở dạng giao dịch ký quỹ, đồng nghĩa với việc họ đang phải đi vay một khoản tiền trên sàn giao dịch và có thể thua lỗ nặng nếu bong bóng đầu cơ bitcoin bị vỡ.

Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất về kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu nhằm duy trì đà tăng trưởng của khu vực. Một nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy tự do thương mại trong bối cảnh đang nổi lên những quan điểm chống toàn cầu hóa và chống bảo hộ thương mại.

Kết quả cuộc khảo sát hàng năm của Hiệp hội Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cho thấy chủ nghĩa bảo hộ gia tăng được coi là "nguy cơ hàng đầu đối với sự tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Bởi vậy, việc hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương cần được đặt là trọng tâm.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có thể giải quyết những hoài nghi về các lợi ích của toàn cầu hóa bằng cách bổ sung vào hoạt động thương mại một cơ chế thiết thực dành cho các chính sách xã hội như giáo dục, mạng lưới an sinh xã hội và thị trường lao động. Thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế thành viên APEC và khái niệm FTAAP ngày càng được chấp nhận như một mô hình lý tưởng để thúc đẩy thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực.

Trên thực tế, FTAAP không phải là một ý tưởng mới. Kế hoạch này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2004 và được đưa vào bản tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC năm 2006. Trong cuộc họp APEC năm 2014 tại Bắc Kinh, các nền kinh tế thành viên APEC đã đẩy mạnh tiến trình FTAAP và phác thảo lộ trình cho khu vực này.

Với việc kết nạp 21 nền kinh tế APEC thông qua việc tự do hóa thương mại và đầu tư, FTAAP, ngay khi được thiết lập, sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 40% dân số thế giới, một nửa nền thương mại toàn cầu và 60% thương mại thế giới. PECC cho rằng FTAAP là một lựa chọn chiến lược cho sự thịnh vượng lâu dài của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp bảo đảm về thể chế cho nền kinh tế mở của khu vực.

So với các kế hoạch khác để hình thành một cơ chế thương mại tự do khu vực, FTAAP nhấn mạnh vào tính toàn vẹn, tìm kiếm sự hội nhập khu vực lớn hơn và có thể mở ra tiềm năng to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phân bố giàu nghèo một cách cân bằng.

Ngoài ra, với quan điểm về tiềm năng rộng lớn của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thúc đẩy thương mại và tăng trưởng toàn cầu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các đối tác thương mại đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng thúc đẩy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận RCEP "hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi".  10 nhà lãnh đạo ASEAN và 6 nước đối tác thương mại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết hoàn tất gói thương mại khu vực với sự có mặt của 16 quốc gia vào năm tới. Tại hội nghị cấp cao RCEP đầu tiên bên lề hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Manila vào tháng 11 vừa qua, 16 nhà lãnh đạo RCEP đã thảo luận về hướng đi cho các cuộc đàm phán RCEP. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP kêu gọi các bộ trưởng và các nhà đàm phán tăng cường các nỗ lực vào năm 2018 nhằm giúp các cuộc đàm phán RCEP đạt được kết quả.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chủ trì hội nghị thượng đỉnh RCEP, cho biết RCEP là một thỏa thuận thương mại có thể mở ra những tiềm năng mới và định hình các quy tắc mới trong trò chơi trật tự thương mại quốc tế.

Theo số liệu của ASEAN, 16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần một nửa dân số thế giới, 31,6% sản lượng toàn cầu, 28,5% thương mại toàn cầu và 1/5 dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu vào năm 2016.

RCEP, được khởi động vào tháng 11/2012, "tập trung vào việc làm hài hòa các quy tắc và quy định trong khu vực". Theo ông Jayant Menon,chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc hội tụ các quy định như vậy sẽ làm giảm đáng kể chi phí kinh doanh trong khu vực. Ông cho rằng bước tiếp theo sau khi RCEP được thiết lập sẽ là mở rộng thỏa thuận này hướng tới hội nhập kinh tế khu vực thông qua FTAAP mà bao gồm tất cả 21 nền kinh tế APEC. Ông Menon nhận định FTAAP là đề xuất duy nhất mà có thể bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc./.

 

Huyền Anh
448 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 337
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 337
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88626360