Cách đây ít lâu, ông Morales đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Bolivia ngày 20/10, trở thành vị Tổng thống tại nhiệm lâu nhất tại quốc gia Mỹ Latinh này sau 14 năm cầm quyền. Tuy nhiên, phe đối lập đã bác bỏ kết quả trên vì cho rằng, đã xảy ra tình trạng “gian lận” trong quá trình bầu cử. Diễn biến này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra trên nhiều nơi trên khắp đất nước Bolivia, khiến 3 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương – trong một vụ việc được chính phủ của ông Morales xem là “một cuộc đảo chính”.
Trước diễn biến trên, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) – vốn đóng vai trò giám sát tiến trình bầu cử tại Bolivia, ngày 10/11 cho biết họ đã phát hiện ra “những dấu hiệu bất thường” trong phạm vi rộng của cuộc bỏ phiếu. Phản ứng trước thông tin trên, ông Morales đã kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử mới để cho phép người dân Bolivia có thể lựa chọn ra các nhà lãnh đạo mới một cách dân chủ thông qua hình thức bỏ phiếu.
Tuy nhiên, sau đó cùng ngày, nhà lãnh đạo 60 tuổi này của Bolivia đã thông báo từ chức sau khi phải đối mặt với sức ép từ phía cảnh sát và các tướng lĩnh quân đội đứng về phía người biểu tình.
Trong thông điệp đăng tải trên Twitter sau quyết định từ chức, ông Morales cho biết đang có một lệnh bắt giữ phi pháp nhằm chống lại nhà cựu lãnh đạo Bolivia và nhà của ông cũng đang bị những kẻ bạo lực tấn công. “Những kẻ nổi dậy đang phá vỡ tinh thần thượng tôn của pháp luật” – ông Morales nêu rõ.
Ông Morales cho biết, quyết định từ chức được ông đưa ra nhằm bảo đảm rằng những người anh chị em và những người trung thành với ông không trở thành mục tiêu của những vụ tấn công hay những lời đe dọa. Tuy nhiên, nhà cựu lãnh đạo này cũng tuyên bố rằng, cuộc đấu tranh của ông vì hòa bình và sự bình đẳng vẫn chưa kết thúc.
Ngay lập tức, cảnh sát Bolivia đã bác bỏ thông tin do ông Morales đưa ra và cho biết, không hề có lệnh bắt giữ nào được đưa ra đối với vị cựu Tổng thống này. Trong khi đó, quyết định từ chức bất ngờ của ông Morales đã gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ phía các chính phủ cánh tả và các chính trị gia nổi tiếng ở Mỹ Latinh.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bày tỏ quan điểm kiên quyết lên án “cuộc đảo chính” được thực hiện nhằm chống lại vị Tổng thống anh em”.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lại ca ngợi ông Morales là một người đóng vai trò chủ đạo và là một biểu tượng cho quyền lợi của người bản địa châu Mỹ.
Cựu Tổng thống kiêm nhà chính trị Brazil – ông Lula da Silva lại bày tỏ sự tiếc nuối khi “người bạn Morales của ông đã phải rời bỏ cương vị trong một cuộc đảo chính”.
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, chính phủ Nicaragua đã lên án vụ đảo chính nhằm chống lại ông Morales. Tuyên bố của chính phủ Nicaragua bày tỏ rõ sự phản đối trước các hành vi coi nhẹ hiến pháp, luật pháp và chủ nghĩa thể chế – vốn đóng vai trò điều hành đời sống dân chủ tại các quốc gia.
Trong một động thái nhằm thể hiện rõ sự ủng hộ với vị cựu Tổng thống Bolivia, ngày 10/11, Ngoại trưởng Mexico Minister Marcelo Ebrard tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận ông Morales tị nạn nếu được yêu cầu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng vừa bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước tình trạng bạo lực sau bầu cử tại Bolivia, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay, cũng như bảo đảm sự minh bạch và đáng tin cậy cho các cuộc bầu cử./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)