Nhiều ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống giáo dục đại học 

(ĐCSVN) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; chỉnh sửa nội dung theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính...
Nhiều ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống giáo dục đại học

Ngày 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp 6 diễn ra vào cuối năm nay. Dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận

2 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra ngày 7/9. Ảnh: Hiếu Nguyễn 

Tại Hội nghị, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; chỉnh sửa nội dung theo hướng nêu rõ các điều kiện để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản cũng như chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) khi thực hiện tự chủ.

Đồng thời, chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động.

Về quy định đa dạng hóa nguồn tuyển sinh; quy định chặt chẽ yêu cầu, điều kiện tuyển sinh, mở ngành để vừa bảo đảm tự chủ của cơ sở GDĐH vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả, ông Phan Thanh Bình cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng cho phép đa dạng hóa nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ nguồn học sinh tốt nghiệp THPT, người học tốt nghiệp các trình độ trung cấp, cao đẳng; quy định rõ các điều kiện để cơ sở GDĐH được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành đào tạo, trừ các ngành đặc thù thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng; đồng thời, quy định rõ chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm chất lượng khi tự chủ mở ngành, tuyển sinh.

Về chương trình đào tạo, dự thảo Luật quy định theo hướng cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ lựa chọn phương thức tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế; đồng thời, yêu cầu các nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ nhằm tạo điều kiện cho việc công nhận, chuyển đổi và liên thông trong đào tạo.

Việc bổ sung nội dung về kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong chương trình là thuộc quyền tự chủ của nhà trường. Thời gian đào tạo chuẩn được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy quy định cho từng chương trình và trình độ đào tạo, được quy định trong Khung trình độ Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho ý kiến về tâm lý nhìn nhận, xếp hạng ĐH dựa vào quy mô thay vì thực lực, tiềm năng phát triển, xu thế, nhu cầu của người học, của đất nước. Vì vậy, mô hình hệ thống giáo dục ĐH phải bảo đảm bình đẳng để tất cả cơ sở giáo dục ĐH có cơ hội phát triển đầy đủ.

“Mô hình liên kết giữa các trường ĐH để hình thành những ĐH lớn cần xác định rõ là liên kết mềm hay liên kết cứng. Nếu đây là liên kết mềm do các trường tự quyết định tức là ĐH được tự chủ mới tự quyết định liên kết với trường nào tuỳ vào cơ sở vật chất, năng lực giáo viên, học thuật, tài chính… và Nhà nước không can thiệp. Do đó, tăng tự chủ cho đại học là biện pháp thúc đẩy liên kết giữa các trường ĐH nhưng thời điểm nào, phương thức nào là do các trường là tự quyết định còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ tạo không gian, chính sách cho các trường phát triển bình đẳng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.

Đồng tình với cách tiếp cận như vậy, PGS.TS Nguyễn Đình Hương, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ, Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho rằng phải "định danh" lại ĐH theo đúng quốc tế. Tất cả cơ sở giáo dục ĐH được gọi là ĐH thay vì có sự phân biệt 2 ĐHQG, 3 ĐH vùng với các trường ĐH khác như hiện nay. Tuỳ vào điều kiện mỗi ĐH mà có hay không có các trường thành viên. Thực tế, đã có những phản ánh của các trường ĐH thành viên trong ĐH vùng về những bất cập trong bộ máy tổ chức, điều hành cồng kềnh, mang tính trung gian.

Về bộ máy, tổ chức trong trường ĐH, nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về cơ cấu, quyền hạn và mối quan hệ của Hội đồng trường với Hội đồng ĐH, Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu…

Cụ thể, để hội đồng trường hoạt động hiệu quả thì cần có những điều khoản bảo đảm chất lượng thành viên hội đồng trường; phân định rõ trách nhiệm chuyên môn, quản lý giữa Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng; đặc biệt trong các trường tư thục là trách nhiệm hội đồng quản trị, nhà đầu tư đối với hội đồng trường; mối quan hệ giữa hội đồng trường ĐH với hội đồng của các trường, viện thành viên…

Nêu ý kiến về mô hình hệ thống giáo dục ĐH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá: Hiện tại có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các ĐHQG, ĐH vùng được gọi là "đại học" trong khi có rất nhiều các trường uy tín, quy mô và số ngành đào tạo lớn như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó.

Tương tự, mô hình hệ thống giáo dục ĐH phân thành ĐH và trường ĐH sẽ gây khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường ĐH là “University”.

Đề cập đến những hạn chế trong mô hình tổ chức của 2 ĐHQG cũng như 3 ĐH vùng hiện nay, Phó Thủ tướng chỉ rõ, các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải đều thuận lợi.

Vì thế, phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được những bất cập thực tế đã bộc lộ. Trong khi đó, phương án đề xuất của cơ quan soạn thảo dựa trên nguyện vọng của nhiều trường ĐH, sẽ giải quyết được các vấn đề này, mặc dù chưa triệt để theo xu hướng quốc tế. Tinh thần là giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH, không nên chỉ vì tên gọi mà để các trường bị kìm hãm, không được phát triển, vươn lên…/.

Mỹ Anh

524 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1019
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1019
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87041357