Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Alexander Schallenberg, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jakub Kulhanek và Ngoại trưởng Áo Anze Logar đã có chuyến thăm tới thủ đô Skopje của Bắc Macedonia để ủng hộ nước này khởi động đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU), dự kiến vào tháng 6 tới.
Trong chuyến thăm này, các Ngoại trưởng đã nhất trí ủng hộ Bắc Macedonia và Albania bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU, nhấn mạnh rằng các vấn đề song phương không nên cản trở sự mở rộng của EU sang khu vực Tây Balkan.
Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Kulhanek cho rằng, điều kiện một quốc gia không thể trở thành thành viên EU do tranh chấp song phương với một quốc gia khác là “không công bằng”. “Đây là thời điểm quan trọng và chúng ta không để quy trình bị mắc kẹt với những điều kiện như vậy”, ông Kulhanek nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Schallenberg cho biết, ông hy vọng các cuộc đàm phán có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 6 tới. Theo ông Schallenberg, các bên đều có “lợi ích chiến lược” khi EU mở rông không chỉ bao gồm Albania và Bắc Macedonia mà còn cả các nước khác trong khu vực Tây Balkan.
Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev cho biết, 2 quan chức EU là Oliver Varhelyi, ủy viên phụ trách mở rộng và Augusto Santos Silva, Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha đã đưa ra một đề xuất tạo “cơ sở tốt” để giải quyết tranh chấp của nước này với Bulgaria. Tuy nhiên, Bulgaria cùng ngày cho biết sẽ không thay đổi quyền phủ quyết của nước này liên quan vấn đề trên.
Bulgaria sử dụng quyền phủ quyết để buộc Bắc Macedonia nếu muốn gia nhập EU thì không được sử dụng "Macedonia" cho ngôn ngữ và văn hóa của mình, tức không được nói rằng có ngôn ngữ Macedonia, tiếng Macedonia hay văn hóa Macedonia ở Bắc Macedonia. Bulgaria cho rằng tiếng Macedonia chỉ là một dạng thổ ngữ có gốc từ tiếng Bulgaria.
Bắc Macedonia đã nộp đơn gia nhập EU từ năm 2004, nhưng việc đàm phán chính thức chưa thể bắt đầu dù Bắc Macedonia được EU xác nhận đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu và điều kiện để có thể chính thức bắt đầu đàm phán.
Gần 3 thập niên trước, Bắc Macedonia cũng phải giải quyết tranh chấp kéo dài hàng chục năm với nước láng giềng Hy Lạp về tên gọi của đất nước, dẫn đến việc đổi tên thành “Bắc Macedonia”./.
Hoài Hà (Theo euractiv.com, ABC News)