Các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế mỗi nước bằng các gói kích thích tài khóa sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19.
Tất cả các nhà lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, vốn có truyền thống phản đối việc vay mượn để thúc đẩy tăng trưởng, đều đã nới lỏng quan điểm này khi đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các đồng minh của mình tiếp tục chi tiêu mạnh tay, với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 2 năm nay đã kêu gọi các thành viên G7 "hãy chơi lớn".
Ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2011-2019, cho biết các nền kinh tế lớn của phương Tây cần có một số "mỏ neo tài khóa dài hạn" để trấn an các nhà đầu tư và tránh việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.
Tiếp tục thực các chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến thời điểm thích hợp cũng là biện pháp Chính phủ Hàn Quốc đưa ra để bảo đảm kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Theo các quan chức Hàn Quốc, thị trường tài chính có thể sẽ biến động mạnh hơn khi lạm phát tăng trở lại và điều này buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải rút lại các biện pháp kích thích tài chính áp dụng thời đại dịch. Tuy nhiên, thời điểm bình thường hóa chính sách tiền tệ của Hàn Quốc sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, tình hình dịch COVID-19 và rủi ro mất cân bằng tài chính.
Chính phủ Malaysia cũng tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động bởi đại dịch, gói mới nhất là PEMERKASA Plus trị giá 97 triệu USD. Trong khi đó, Jordan khởi động một chương trình thúc đẩy du lịch trong nước với tổng trị giá 9 triệu USD nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp đóng góp 13% GDP cả nước.
Với cuộc sống của người dân nhiều quốc gia đang dần trở lại bình thường, bức tranh kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, phục hồi với tốc độ nhanh nhất trong vòng 80 năm qua. Tuy nhiên, điểm sáng sẽ chủ yếu tập trung vào các quốc gia phát triển, trong khi các nền kinh tế đang phát triển bị tụt lại phía sau, khiến phân chia giàu và nghèo ngày càng sâu sắc hơn.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva ngày 13/6 đã cảnh báo về một sự phân hóa sâu sắc đang diễn ra trong tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 khi một số quốc gia đang phải vật lộn để tiếp cận với vaccine, trong khi một số nước đang dư thừa nguồn chế phẩm này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 hoan nghênh kế hoạch của IMF phân bổ 650 tỷ USD nhằm giúp các nước đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời hối thúc thực hiện kế hoạch này trước cuối tháng 8 tới.
An Bình