Nhiều nước nghèo phải giảm 220 tỷ USD ngân sách do khủng hoảng nợ 

Báo cáo của Oxfam cho biết hiện tại các nước thu nhập thấp và trung bình thấp đang phải chịu các khoản thanh toán lãi và nợ gần nửa tỷ USD mỗi ngày đến hết năm 2029.
Nhiều nước nghèo phải giảm 220 tỷ USD ngân sách do khủng hoảng nợ

Theo một báo cáo được công bố ngày 9/10 của tổ chức Oxfam International, nhiều quốc gia thuộc hàng nghèo nhất thế giới đang đối mặt với nguy cơ cắt giảm ngân sách lên tới 220 tỷ USD trong 5 năm tới do cuộc khủng hoảng nợ đã đẩy nhiều nước đến bờ vực vỡ nợ.

Được công bố khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) bắt đầu kỳ họp thường niên ở Marrakech, Maroc và dựa trên các dự báo của IMF, báo cáo của Oxfam cho biết hiện tại các nước thu nhập thấp và trung bình thấp đang phải chịu các khoản thanh toán lãi và nợ gần nửa tỷ USD mỗi ngày đến hết năm 2029.

[UNCTAD quan ngại về tình trạng khủng hoảng nợ tại các nước nghèo]

Rất nhiều nước đang phát triển đang ở trong tình trạng căng thẳng về nợ, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu gia tăng, lạm phát leo thang và một loạt các cú sốc kinh tế sau đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến tình hình tài chính quốc gia.

Oxfam kêu gọi IMF và WB tận dụng cuộc khủng hoảng này để tạo ra một hệ thống cân đối hơn, thay vì chỉ tập trung vào tái cơ cấu nợ và cắt giảm chi tiêu.

Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam International, Amitabh Behar, cho biết cách ứng phó của các nước với khủng hoảng nợ là “thắt lưng buộc bụng” hơn và vay nợ nhiều hơn, trong khi cách thức để các bên cùng có lợi, như đánh thuế người giàu một cách công bằng, lại vẫn chỉ nằm trên bàn đàm phán.

Oxfam và nhiều tổ chức khác đã từng kêu gọi các chủ nợ quốc tế xóa nợ cho các nước đang phát triển đang gặp khủng hoảng kinh tế. Báo cáo của Oxfam còn chỉ ra rằng chi phí trả nợ cho nhiều nước nghèo nhất thế giới đang cao gấp bốn lần chi tiêu cho chăm sóc y tế.

Việc tái cơ cấu nợ cho một số nước vỡ nợ như Zambia và Ghana, được dự đoán sẽ có tiến triển trong các cuộc họp ở Marrakech, trong khi IMF sẽ tiếp tục đối thoại với Tunisia, Pakistan, Ai Cập và các nước khác về các điều khoản cho các khoản vay giải cứu./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

 

174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 650
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 650
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87066643