Quân đội Đức đã chấm dứt chiến dịch không vận từ sân bay Kabul trong ngày 26/8 và buộc phải để hàng nghìn nhân viên từng làm việc cho quân đội nước này cùng gia đình của họ ở lại Afghanistan.
Ông Marcus Grotian, sáng lập viên và là người đứng đầu Mạng lưới hỗ trợ nhân viên Afghanistan, cho biết ít nhất 5.000 người (gồm nhân viên và gia đình của họ) đang bị mắc kẹt tại Afghanistan.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay, theo ông Grotian, là Đại sứ quán Đức ở thủ đô Kabul đã bị đóng cửa, đồng nghĩa với việc những người mắc kẹt không thể nhận được giấy tờ để tới Đức.
Trước thực tế đó, mạng lưới của ông Grotian đang nỗ lực hết sức để đưa người rời khỏi Afghanistan nhưng cơ hội thành công là rất thấp.
Theo số liệu thống kê, Đức mới chỉ sơ tán được 5.347 người rời khỏi Afghanistan, trong đó có hơn 4.100 là người dân bản địa.
Việc Đức quyết định dừng hoạt động không vận sớm hơn 5 ngày so với hạn chót đề ra vào ngày 31/8, thay vì phải kéo dài hơn như tuyên bố trước đó đang đặt ra một số câu hỏi.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 25/8 khi trả lời phỏng vấn báo Bild, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã thừa nhận không thể sơ tán hết những người cần thiết trước thời hạn chót vào cuối tháng này.
[Tổng thống Mỹ nhận trách nhiệm về tình hình ở Afghanistan]
Cũng trong ngày 27/8, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio thông báo chuyến bay sơ tán cuối cùng của nước này đã rời khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan, chở theo các công dân Afghanistan cũng như các nhà ngoại giao và quan chức quân đội Italy.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Italy cho biết các máy bay của bộ này đã sơ tán khẩn cấp 4.800 công dân Afghanistan ra khỏi quốc gia Tây Nam Á như một phần nỗ lực sơ tán quốc tế sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul hồi giữa tháng Tám.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ tuyên bố nước này đã kết thúc hoạt động sơ tán khỏi Afghanistan sau khi hồi hương 387 người trong vòng 2 tuần với sự trợ giúp của quân đội Đức.
Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, vẫn còn 11 công dân nước này ở Afghanistan, một số người làm việc cho các tổ chức quốc tế và Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ vẫn giữ liên lạc với những người này.
Cũng trong ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết đã hoàn tất công tác sơ tán khỏi Afghanistan khi 2 máy bay cuối cùng hạ cánh ở Oslo. Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho hay "máy bay cuối cùng của Na Uy khởi hành từ Kabul vừa hạ cánh," trên máy bay có khoảng 20 người.
Cùng với một máy bay hạ cánh vào sáng 27/8, hơn 1.100 người đã được đưa từ Afghanistan tới Na Uy kể từ khi Taliban giành quyền lực tại kabul.
Trong số những người Afghanistan được đưa tới Na Uy có cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Nargis Nehan. Hiện có khoảng 30 bác sỹ quân y Na Uy ở lại một bệnh viện dã chiến ở sân bay Kabul để điều trị cho hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom hôm 26/8 do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho biết chưa thể nói chính xác thời điểm các lực lượng nước này rời khỏi Kabul, song Oslo đang xúc tiến chuẩn bị.
Thụy Điển, quốc gia láng giềng của Na Uy, cũng đã hoàn tất công tác sơ tán khỏi Kabul vào ngày 27/8, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng các khoản viện trợ phát triển cho Afghanistan dưới chính quyền mới của Taliban./.
Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)