Nguồn tin trên dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics nêu rõ các bộ trưởng quốc phòng EU đều bày tỏ hoài nghi về khả năng hình thành quân đội chung EU, cũng như cách thức triển khai các quyết định về việc sử dụng quân đội.
Ông Rinkevics cũng cho biết nước này tin rằng EU có thể làm nhiều hơn nữa để cải thiện khả năng phòng thủ của mình, và các cuộc thảo luận về nguồn tài chính lớn hơn cho quốc phòng của các quốc gia thành viên EU đã trở nên năng động hơn.
[Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích ý tưởng thành lập quân đội châu Âu]
Trước đó, ngày 13/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về việc thành lập một quân đội châu Âu trong tương lai theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Ông Macron cho rằng việc thành lập một lực lượng quân sự chung của châu Âu sẽ giúp EU giảm bớt phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ. Ông nhấn mạnh EU sẽ không thể tự bảo vệ trừ khi khối này quyết định có "một quân đội châu Âu thực sự."
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích người đứng đầu Điện Elysee về kế hoạch thành lập một quân đội châu Âu. Washington lo ngại kế hoạch này có thể phủ bóng lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo giới quan sát, các nước Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thể hiện lập trường hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từ lâu đã ủng hộ ý tưởng EU cần có khả năng phòng thủ độc lập với NATO. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp, trong môi trường nhiều đe dọa và biến động về địa chính trị cũng như khí hậu như hiện nay, sự ra đời của Liên minh các lực lượng quân sự đưa ra thông điệp “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực."
Quan chức này cũng nhấn mạnh, sáng kiến này "không mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của EU cũng như của NATO, mà ngược lại, cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia./.