Nhiều người già vẫn bị sập bẫy lừa đảo qua mạng xã hội 

Trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều tài khoản công khai việc rao bán tiền giả, mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, phạm vi giao hàng toàn quốc.
Nhiều người già vẫn bị sập bẫy lừa đảo qua mạng xã hội

Tại tỉnh Phú Yên, thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng, bán tiền giả...

Hình thức, chiêu trò lừa đảo của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng "sập bẫy."

Rao bán tiền giả

Trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều tài khoản công khai việc rao bán tiền giả, mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, phạm vi giao hàng toàn quốc.

Để thu hút người mua, chủ tài khoản các trang mạng này thông báo trên tài khoản tỷ lệ quy đổi tiền giả là 1:8 (có nghĩa là 1 triệu tiền thật mua được 8 triệu tiền giả); hoặc tỷ lệ 1:10 (nghĩa là 1 triệu đồng tiền thật thì mua được 10 triệu tiền giả).Các tài khoản Facebook này còn đưa ra ưu đãi, “khuyến mãi” mua càng nhiều, tỷ lệ này chênh lệch càng hấp dẫn.

Một tài khoản Facebook có tên “Phạm Phương Thảo” còn công khai quảng cáo tiền giả giống thật đến 98%; mắt thường không phân biệt được, có thể dùng đổ xăng, mua sắm hay trả nợ đều được.

Tài khoản còn này lưu ý khách hàng nếu khách hàng muốn mua tiền giả thì inbox trực tiếp qua tài khoản Facebook hoặc Zalo 0825474012.

[Bắt giữ cặp vợ chồng scan tiền mệnh giá 5.000 đồng để tiêu thụ]

Chủ tài khoản Facebook “Chau Thuong” địa chỉ thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) công khai “tuyển cộng tác viên toàn quốc” để bán hàng. Để tạo niềm tin cho khách hàng chủ tài khoản này còn chụp nhiều tin nhắn thể hiện đã có giao dịch giữa người mua với người bán tiền.

Ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên, cho biết: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus thuộc nội dung thứ 8 trong 10 dấu hiệu nhận diện thông tin xấu độc do Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê.

Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, tình trạng lừa đảo, rao bán tiền giả với số lượng lớn trên mạng Facebook, Zalo lại “rộ” lên. Đây là chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có lòng tham, hám lợi.

Thực chất, các đối tượng không có tiền giả. Khi có người mua đồng ý thanh toán, các đối tượng này sẽ cắt đứt liên lạc, không chuyển tiền giả như đã cam kết. Đa số nạn nhân bị lừa là thanh thiếu niên thiếu kiến thức pháp luật, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch trên môi trường mạng, mong muốn có nhiều tiền để tiêu xài, lười biếng lao động…

Về mặt pháp luật, cả người mua và người bán tiền giả đều vi phạm. Thậm chí giao dịch không thành nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện, người mua vẫn có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, nhiều người bị lừa trên mạng nhưng không dám báo công an.

Người già và phụ nữ dễ dàng sập bẫy

Lợi dụng sự “nhẹ dạ, cả tin” của nhiều người đặc biệt là người già, phụ nữ một số đối tượng đã nhắm tới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cơ quan công quyền gọi điện đến nạn nhân hù dọa và thông báo nạn nhân đã vướng đường dây ma túy, hoặc thông qua Zalo, Facebook để kết bạn rồi lừa đảo. 

Một cụ bà đã 76 tuổi ở thành phố Tuy Hòa vừa bị lừa mất 33 triệu đồng kể lại cuối tháng 11/2020, bà nhận điện thoại từ người lạ và tự xưng là công an. Đối tượng này cho bà biết: có một nhóm đối tượng đã sử dụng tài khoản và chứng minh nhân dân của bà vay tiền để mua bán ma túy.

Do vậy, họ yêu cầu bà bí mật phối hợp cơ quan điều tra bằng cách rút tất cả tiền trong sổ tiết kiệm rồi chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp và tiền sẽ được hoàn trả đầy đủ sau khi điều tra xong.

Để chứng minh bản thân không liên quan đến vụ việc, bà đã sử dụng tiền tiết kiệm của mình chuyển vào tài khoản đối tượng yêu cầu 33 triệu đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã tiếp nhận 41 nguồn tin tố giác từ các nạn nhân với số tiền bị chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng.

Đại úy Trần Anh Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về Kinh tế và Chức vụ Công an thành phố Tuy Hòa cho biết các đối tượng lừa đảo chủ yếu nhắm vào phụ nữ, người già. Khi đã kết bạn qua Facebook, Zalo các đối tượng lừa đảo thường sử dụng “chiêu trò” để người dân phải cung cấp số tài khoản hoặc nộp tiền theo hướng dẫn.

Các đối tượng lừa đảo qua mạng rất tinh vi, phương thức thủ đoạn luôn đổi mới. Với loại tội phạm này, cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại; không cung cấp số điện thoại riêng, tài khoản, thẻ tín dụng và thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

Càng gần dịp Tết Nguyên đán, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản càng “nở rộ”. Người dân cần nâng cao cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền hoặc mua bán hàng hóa qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cần sớm điều tra, phát hiện các đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Xuân Triệu (TTXVN/Vietnam+)
615 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2085
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2085
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 75974885