Hiện lực lượng cứu hộ gồm khoảng 54.000 người bao gồm cảnh sát, cứu hỏa, phòng vệ và bảo vệ bờ biển đã mở rộng phạm vi tìm kiếm những người mất tích và bị mắc kẹt. Lệnh sơ tán và khuyến cáo đã được đưa ra đối với 5,9 triệu người tại 19 khu vực. Theo Cơ quan Kiểm soát Thiên tai và cứu hỏa, tính đến 15h cùng ngày, hơn 30.000 người đang phải tạm trú tại các trung tâm sơ tán. Hiện nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt tại nhà riêng do lụt.

Tại tỉnh Okayama (Ô-ca-i-a-ma), một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, cảnh sát đã dùng trực thăng và thuyền giải cứu hơn 1.000 người đang bị mắc kẹt trên những mái nhà do 3 con đê ngăn nước sông Oda bị vỡ. Tại Mabicho (Ma-bi-chô), khoảng 1.200 héc-ta, tương đương 1/3 diện tích khu vực, bị ngập trong nước lũ, nhấn chìm khoảng 4.600 ngôi nhà. Giới chức Nhật Bản lên kế hoạch huy động khoảng 20 xe tải hút nước làm việc suốt ngày đêm để rút nước ra khỏi những khu vực bị ngập song dự kiến công tác này phải mất 2 tuần.

Dự báo số người thiệt mạng có thể còn gia tăng do nhiều nơi sạt lở vẫn chưa được xác định. Hiện khu vực ghi nhận nhiều trường hợp thiệt mạng nhất là Hiroshima (Hi-rô-si-ma) 38 người, tiếp theo là Ehime (Ê-him) 20 người và Okayama 10 người.

Theo thống kê, 17 cơ quan vận tải đường sắt đã phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ tại 56 tuyến đường ở miền Tây Nhật Bản. Dự kiến, sau khi nước rút, khu vực bị lụt cũng cần một thời gian dài để phục hồi khi khoảng 276.000 hộ gia đình tại 11 khu vực đang bị mất nước. Trong một tuyên bố trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) nhấn mạnh: "Vẫn còn rất nhiều người mất tích và nhiều người khác cần được hỗ trợ, chúng ta đang chạy đua với thời gian". Thủ tướng Abe chỉ thị dốc toàn lực để tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân.

Đây là thảm họa thiên tai do mưa gây thương vong lớn nhất tại đất nước "Mặt Trời mọc" trong những năm gầy đây. Trong vụ việc xảy ra năm 2014, ít nhất 74 người đã thiệt mạng trong các vụ lở đất sau mưa lớn tại vùng Hiroshima (Hi-rô-si-ma)./.

Theo TTXVN