Đây là tiến bộ mới nhất của hai nước trong chủ trương triển khai hoạt động kinh tế chung tại vùng lãnh thổ tranh chấp.

Thứ trưởng Mori Takeo đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao giữa Nga và Nhật Bản ở thủ đô Moskva của Nga thảo luận về nội dung triển khai chính thức hoạt động kinh tế chung tại vùng lãnh thổ tranh chấp hiện do Nga quản lý và gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Trả lời phỏng vấn báo giới Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Mori Takeo cho biết hai bên đã thử nghiệm triển khai hoạt động kinh tế du lịch chung tại đảo Kunashiri/Kunashir thuộc Vùng lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril từ ngày 30/10 đến 1/11 vừa qua. Hai bên đã thiết lập 3 nhóm làm việc chung nhằm hướng tới thực hiện chính thức hoạt động kinh tế chung, thảo luận về các nội dung như căn cứ pháp lý, hoạt động đi lại của người dân. Tại cuộc đàm phán lần này, hai bên đã thống nhất thiết lập thêm nhóm làm việc mới cấp cục trưởng.

Ngoài ra, hai bên cũng xác nhận đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) và người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu (Mô-tê-ghi Tô-si-mi-chư) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 22 – 23/11 tại Nagoya (Na-gô-y-a), Nhật Bản; đồng thời đã lên kế hoạch cho chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Nhật Bản trong năm nay.

Quần đảo tranh chấp nói trên gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan. Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) đã nhiều lần đàm phán để giải quyết tranh chấp trên, song cho đến nay vẫn chưa đạt được đột phá.

Tháng 9/2018, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok (Vla-đi-vô-xtốc), vùng Viễn Đông của Nga, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã phê chuẩn chi tiết lộ trình thực hiện các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp - ý tưởng được hai bên nhất trí từ năm 2017.

Nhật Bản kỳ vọng thông qua các hoạt động kinh tế chung có thể mở ra bước tiến trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua và cuối cùng ký kết một hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong khi đó, phía Nga mong muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên./.

Thành Hữu/TTXVN