Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã xác định được vị trí mảnh vỡ của 2 chiếc máy bay trực thăng đâm vào nhau hồi tháng 4 vừa qua khiến 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Vụ va chạm xảy ra khi 2 chiếc máy bay trực thăng SH-60K của Lực lượng phòng vệ biển, mỗi chiếc chở 4 thành viên phi hành đoàn, thực hiện công tác huấn luyện tác chiến phát hiện tàu ngầm ngoài khơi quần đảo Izu ở Thái Bình Dương hồi tháng 4.
Đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy 1 thi thể.
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cho biết trong tháng này, một viện nghiên cứu quốc gia đã bắt đầu thăm dò dưới biển sâu, qua đó giúp phát hiện 2 chiếc máy bay dưới đáy biển gần nơi xảy ra vụ va chạm.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục thăm dò và đánh giá khả năng đưa 2 chiếc máy bay này lên bờ.
Theo báo cáo được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hồi đầu tháng, mặc dù biết khoảng cách bay khá gần nhau, song hai chiếc trực thăng "đã không cố tránh nhau cho đến khi xảy ra vụ va chạm."
Điều này cho thấy có những sai sót trong các hoạt động giám sát tiêu chuẩn. Báo cáo cũng kết luận việc kiểm soát độ cao của máy bay là "không đủ."
Trực thăng SH-60K là loại trực thăng tuần tra được biên chế trong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ năm 2005, có kích thước dài 20m, rộng 16m, vận tốc tối đa 260 km/h và đội bay gồm 4 người.
SH-60K chủ yếu hoạt động từ các tàu hộ tống và được trang bị các thiết bị đặc biệt giúp phát hiện hoạt động của tàu ngầm đối phương./.
Giới chức Nhật Bản cho biết thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của 2 trực thăng SH-60K ghi nhận “những tác động nhanh và mạnh đồng thời ở cùng địa điểm," và sự va chạm này là nguyên nhân gây ra tai nạn.