Nhật Bản và Singapore cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn cao của CPTPP 

(ĐCSVN) - Ngày 12/1, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda và người đồng cấp Singapore Gan Kim Yong đã cam kết duy trì các tiêu chuẩn cao về tiếp cận thị trường và các quy tắc của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhật Bản và Singapore cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn cao của CPTPP

Trong một thông báo chung, hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết xây dựng một hệ thống giao thương dựa trên quy tắc tự do và bình đẳng, bao gồm việc duy trì các tiêu chuẩn cao của CPTPP. 

Nhật Bản và Singapore là 2 trong số 11 quốc gia thành viên tham gia ký kết CPTPP, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa các quốc gia thành viên tham gia.

Singapore hiện nắm quyền Chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định CPTPP sau khi Nhật Bản kết thúc vai trò này năm 2021.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda (trái) và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong ký biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 12/1. (Ảnh: The Straits Times)

Thông báo chung được đưa ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda kéo tài 6 ngày tới các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Tháng 9/2021, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Nếu Trung Quốc được gia nhập CPTPP, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Singapore đã hoan nghênh nỗ lực này của Trung Quốc sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 năm ngoái.

Trước đó, ngày vào tháng 2/2021, Anh cũng đã đưa ra lời đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP vào đúng dịp  tròn 1 năm kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, với đề nghị trên, Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này. Có thể nói, CPTPP là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của nước này sau khi rời EU.

Anh đã tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới kể từ khi rời EU. Với CPTPP,  Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP. 

Anh dự báo sau khi gia nhập CPTPP, xuất khẩu của nước này sang các quốc gia thành viên Hiệp định sẽ tăng hơn 51 tỷ USD, tương đương 65%, vào năm 2030.

CPTPP tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ban đầu, các cuộc đàm phán TPP có 12 thành viên, song cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2017. Hiệp định TPP sau đó đổi tên thành CPTPP.

Ngoài Anh và Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines cũng ngỏ ý sẵn sàng tham gia Hiệp định này./.

 
H.Hà (Theo Reuters, Japan Times)
403 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1199
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1199
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87103147