Nhật Bản tung gói cứu trợ gần 1.000 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6/4 cho biết chính phủ nước này sẽ tung ra gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD), trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động tới nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Theo Thủ tướng Abe, quy mô của gói cứu trợ tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Gói cứu trợ này lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ trị giá 56.800 tỷ yen mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự kiến, chi tiết của gói cứu trợ sẽ được công bố trong ngày 7/4.

Thống kê của Chính phủ Nhật Bản, công bố ngày 6/4, cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 3 vừa qua đang ở mức 30,9. Đây là mức giảm tháng thứ 3 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng hạ đánh giá cơ bản, theo đó cho rằng niềm tin của người tiêu dùng đang "xấu đi". Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2011, Văn phòng Nội các Nhật Bản sử dụng cụm từ trên. 

Cùng ngày, theo TTXVN, Thủ tướng Abe cũng đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với một số tỉnh thành tại Nhật Bản từ ngày 7/4. Theo đó, tình trạng khẩn cấp sẽ áp dụng đối với 7 tỉnh thành gồm Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ được Thủ tướng Abe trao đổi với Hội đồng tư vấn của Chính phủ trong cuộc họp chiều 6/4 và dự kiến sẽ được công bố trong ngày 7/4.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép thống đốc, tỉnh trưởng 7 tỉnh, thành nói trên yêu cầu người dân hợp tác trong công tác phòng chống dịch COVID-19 như không ra ngoài trong trường hợp không cần thiết. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép yêu cầu và chỉ thị hạn chế sử dụng các cơ sở có đông người như trường học, trung tâm bách hóa, rạp chiếu phim, khách sạn, thư viện…. Trong những trường hợp cần thiết, chính quyền sẽ trưng dụng một số khu đất và tòa nhà để phục vụ để làm các cơ sở y tế tạm thời. Trong một số trường hợp đặc biệt khác, các địa phương nằm trong diện tình trạng khẩn cấp có quyền yêu cầu hoặc chỉ thị cho các công ty vận tải vận chuyển thuốc men và thiết bị y tế.

Tuy nhiên, theo giải thích của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản hoàn toàn không giống với với các trường hợp phong tỏa thành phố mang tính cưỡng chế, do đó, các phương tiện giao thông công cộng và các siêu thị, ngân hàng cũng như bệnh viện vẫn mở cửa./.

485 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1163
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1164
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87225603