Viện nghiên cứu Riken cho biết bước đột phá trong công nghệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có được là nhờ sử dụng một phương pháp có tên gọi SATORI. Đây là phương pháp kết hợp giữa công nghệ vi mạch siêu nhỏ và CRISPR-Cas13, một phương pháp sử dụng để phát hiện các nucleic acid. Trong phương pháp này, các mẫu xét nghiệm được đưa vào trong hỗn hợp gồm thuốc thử và một enzyme đặc biệt. Nếu mẫu xét nghiệm đó chứa virus SARS-CoV-2, các phân tử riêng của chất có trong thuốc thử, bị enzyme được kích hoạt bởi chuỗi RNA của virus tách ra, sẽ phát sáng. Do ánh sáng phát ra từ các phân tử đó rất yếu nên hỗn hợp này được đặt vào một vi mạch có chứa 1 triệu ống xét nghiệm siêu nhỏ trên 1cm2 để cô lập từng phân tử và xác định các phân tử phát sáng.
Khác với phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phương pháp mới không cần phải lọc sạch và khuyến đại RNA của virus và do vậy, nó có thể xác định các phân tử phát sáng trong vòng chưa đầy 5 phút sau khi các mẫu xét nghiệm được trộn với thuốc thử có chứa enzyme đặc biệt.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp xét nghiệm mới đưa ra kết quả có độ chính xác gần tương đương với PCR – một phương pháp xét nghiệm đang được sử dụng phổ biến và cho kết quả trong khoảng 1 giờ. Mặc dù có tốc độ xét nghiệm siêu nhanh nhưng chi phí trên mỗi xét nghiệm theo phương pháp mới gần tương đương với phương pháp PCR.
Theo Viện Riken, công nghệ SATORI có thể sử dụng để chỉ thị sinh học trong các bệnh khác như ung thư./.