Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy đàm phán TPP 

(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa kêu gọi 11 nước còn lại tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khởi động các vòng thảo luận vào tháng 5 tới để có thể giúp thỏa thuận thương mại tự do này phát huy hiệu lực
Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy đàm phán TPP

Phát biểu trong khuôn khổ một sự kiện diễn ra tại trường đại học Columbia ở New York (Mỹ), ngày 19/4, ông Aso hy vọng rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ đóng một vai trò tiên phong trước mục tiêu tạo dựng và lan tỏa những nguyên tắc đầu tư, thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đề cập về tương lai của TPP, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản cho biết, hiện ông vẫn chưa chắc chắn về cách thức mà 11 nước còn lại tham gia Hiệp định (ngoại trừ Mỹ) sẽ tiếp tục thúc đẩy các vòng đàm phán để có thể khiến thỏa thuận này phát huy hiệu lực.

Tuy nhiên, ông Aso khẳng định, vấn đề này sẽ tiếp tục được mang ra thảo luận tại một cuộc gặp gỡ giữa đại diện các nước tham gia TPP, được tổ chức bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tháng 5/2017.

Bên cạnh đó, ông Aso cũng nhấn mạnh Tokyo không muốn tham gia vào một Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương với Mỹ sau khi Tổng thống D. Trump từ bỏ TPP – một thỏa thuận được thúc đẩy bởi người tiền nhiệm Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo này thì những lợi ích mà Nhật Bản có thể thu được từ các vòng đàm phán thương mại song phương với Mỹ rõ ràng sẽ ít hơn những gì mà nước này có thể đạt được thông qua thỏa thuận TPP.

Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng khẳng định Tokyo sẵn sàng thúc đẩy việc thực thi đầy đủ TPP, song song với những nỗ lực nhằm gia tăng sự hiểu biết từ phía Mỹ trong lĩnh vực này.

Ngay sau khi nhậm chức vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký mệnh lệnh hành pháp đầu tiên về việc rút Mỹ khỏi TPP – một hiệp định thương mại lịch sử được thúc đẩy bởi người tiền nhiệm Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.  Động thái này của lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất TPP đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại (gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore) phải đàm phán lại hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo quy định, TPP chỉ có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật Bản).

Trước đây, chính quyền Tokyo đã tỏ rõ sự nghi ngại trước việc tiếp tục triển khai TPP với lập luận rằng, thỏa thuận này sẽ không giúp tạo đòn bẩy cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, trong đó có các nhà xuất khẩu xe hơi nếu như thiếu vắng vai trò tham gia của thị trường lớn nhất trong khối là Mỹ. Tuy nhiên, lập trường này đang dần có sự dịch chuyển bởi những lý do sau. Thứ nhất, trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa tới tự do thương mại sau những chính sách mới của Tổng thống D.Trump, ngày càng có nhiều nước kêu gọi vai trò tiên phong của Nhật Bản trong việc bảo đảm các nguyên tắc tự do thương mại. Thứ hai, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tuyên bố sẽ không phản đối việc các nước còn lại tiếp tục thực thi đầy đủ TPP. Trong các vòng đối thoại diễn ra vào tháng 2/2017, Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập tới cách thức tối ưu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Washington rút khỏi TPP. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ “Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tiến bộ khu vực dựa trên nền tảng của các sáng kiến sẵn có”. Một quan chức Nhật Bản cho biết, phía Tokyo đã khẳng định trước Washington rằng, sáng kiến này bao gồm cả việc thúc đẩy một Hiệp định TPP gồm sự tham gia của 11 nước thành viên./.

Thu Lan (Theo báo chí Nhật Bản)

564 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 460
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 460
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89206460