Phát biểu tại một cuộc họp báo, khi đề cập tầm nhìn mà Nhật Bản hướng tới nhằm thúc đẩy pháp quyền, tự do hàng hải, thương mại tự do và dân chủ, Ngoại trưởng Motegi nói: "Tôi kỳ vọng tăng cường quan hệ song phương và đạt được đồng thuận về việc phối hợp (hiện thực hóa) khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Theo đó, chuyến công du của ông Toshimitsu Motegi tới châu Phi và khu vực Mỹ Latinh sẽ bao gồm 8 quốc gia: Mexico, Uruguay, Argentina, Paraguay, Brazil, Senegal, Nigeria và Kenya.
Với các chuyến đi này, ông Motegi sẽ trở thành Bộ trưởng Nhật Bản đầu tiên đến thăm khu vực Mỹ Latinh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Đây sẽ là chuyến công du thứ hai đến châu Phi của ông sau chuyến thăm Tunisia, Mozambique, Nam Phi và Mauritius hồi đầu tháng này.
Ông Motegi không tiết lộ chi tiết về chuyến công du, nhưng cho biết sẽ tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại đây.
Tại Mỹ Latinh, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cho biết, ông sẽ có cơ hội tiếp xúc với các cộng đồng người Nhật đang sinh sống tại đây, đặc biệt tại Brazil, nơi có khoảng 1,5 triệu người gốc Nhật đang sinh sống.
Tại châu Phi, Nhật Bản hiện có khoảng 440 công ty đang hoạt động tại trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chế tạo, thương mại, bán lẻ và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường 1,2 tỷ dân này như cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống hành chính và luật pháp còn nhiều bất cập...
Trước đó, năm 2019, Hội nghị cấp cao quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7 đã được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản. Sự kiện được coi là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản nhằm nâng tầm ảnh hưởng và tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú cùng thị trường tiềm năng tại Lục địa đen.
TICAD là sự kiện do Chính phủ Nhật Bản, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đồng tổ chức theo sáng kiến của Nhật Bản từ năm 1993. Sự kiện nhằm thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo các nước châu Phi và đối tác về những vấn đề cấp bách mà châu lục này đang đối mặt. Trong suốt gần 3 thập niên, TICAD là cơ hội để châu Phi thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản và các đối tác hướng tới phát triển toàn diện, đặc biệt là về kinh tế.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy, tổng cộng 35,6 tỷ USD đã được nước này đầu tư vào châu Phi trong giai đoạn 2016-2018, vượt mục tiêu 30 tỷ USD đặt ra tại TICAD lần thứ 6, trong đó có 10 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ và 25,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản. Song, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn bị xem là "kẻ đến sau" khi tổng vốn đầu tư vẫn cách biệt khá xa so với nhiều cường quốc khác như Anh, Mỹ và Trung Quốc./.
Hoài Hà (Theo Kyodo, EFE/EPA)