Nhật Bản: Thời đại mới, kỳ vọng mới 

(Chinhphu.vn) – Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito sẽ được tổ chức trang trọng tại Hoàng cung Nhật Bản vào hôm nay, 22/10, với sự tham dự của gần 2.000 quan khách trong và ngoài nước.
Nhật Bản: Thời đại mới, kỳ vọng mới
Đây là buổi lễ đăng quang đầu tiên được tổ chức trong gần 30 năm qua ở Nhật. Nó đặc biệt bởi thân sinh ông Naruhito, thái thượng thiên hoàng Akihito (85 tuổi), đã trở thành vị vua đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của Nhật Bản chủ động xin thoái vị vì tuổi già sức yếu.

Nhiều người hy vọng thời kỳ Lệnh Hòa (Reiwa) dưới sự trị vì của Nhật hoàng Naruhito, người được coi là “vị hoàng đế của những điều đầu tiên”, sẽ là một thời kỳ đổi mới và tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko. Không chỉ là Nhật hoàng đầu tiên sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và là người đầu tiên được các bậc sinh thành tự tay chăm sóc (theo phong tục của Hoàng gia Nhật Bản, các vị hoàng tử khi còn nhỏ thường bị tách khỏi bố mẹ), Nhật hoàng Naruhito còn là người đầu tiên tốt nghiệp đại học và học cao học tại nước ngoài và có khả năng giao tiếp thành thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Sau khi tốt nghiệp Đại học Gakushuin (Nhật Bản) vào năm 1982, ông đã đi du học tại Trường Merton của Đại học Oxford (Anh) và lần đầu tiên sống trong ký túc xá.

Giới phân tích cho rằng chính những năm tháng sống cùng cha mẹ đã giúp vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản thích ứng tốt hơn với những biến động của thời cuộc. Bản thân Nhật hoàng Naruhito từng thừa nhận những năm tháng sống cùng cha mẹ sẽ là “định hướng quan trọng” cho ông khi thực hiện các bổn phận phi chính trị như một biểu tượng quốc gia trong các năm tới.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách Hoàng Thái tử hồi tháng 2/2019, ông nói: “Tôi muốn thực hiện các bổn phận như một biểu tượng (của quốc gia) bằng cách luôn ở bên người dân Nhật Bản, và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người dân”. Ngày 1/5, phát biểu khi thừa kế ngôi vị Hoàng đế Nhật Bản, Nhật hoàng Naruhito cam kết "đi trên con đường mà các bậc cha ông đã vạch ra" và luôn "tự hoàn thiện mình". 

Đa số người dân Nhật Bản kỳ vọng thời kỳ Lệnh Hòa dưới sự trị vì của Nhật hoàng Naruhito sẽ là thời kỳ ổn định và thành công. Bên cạnh đó, đa số người dân Nhật Bản cũng hy vọng Nhật hoàng sẽ tiếp tục vai trò “biểu tượng quốc gia và biểu tượng của nhân dân” như đã được quy định trong Hiến pháp nước này.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Naruhito đã có nhiều hoạt động để lại ấn tượng tốt cho người dân Nhật Bản và  quốc tế. Điển hình là việc hôm 15/8, Nhật hoàng Naruhito đã bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc” trước các hành động trong chiến tranh của Nhật Bản, đồng thời bày tỏ chân thành hy vọng "những cảnh tàn phá của chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại”.

Trước đó, Thượng hoàng Akihito, một người vốn được người dân Nhật Bản hết sức tôn kính và quý trọng, đã nhiều lần sử dụng cụm từ “hối tiếc sâu sắc” trong các bài phát biểu hằng năm vào dịp này (sự kiện Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai) kể từ năm 2015. Bởi vậy, Nhật hoàng Naruhito được cho đã thực hiện đúng cam kết "đi trên con đường mà các bậc cha ông đã vạch ra".

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất mà đài truyền hình NHK công bố hôm 21/10, đa số người dân Nhật Bản có cảm giác gần gũi với Hoàng gia. Khi được hỏi về cảm nghĩ đối với Hoàng gia, 71% người được hỏi cho biết họ có cảm giác rất gần gũi hoặc không ít thì nhiều có cảm giác gần gũi với Hoàng gia. So với cuộc thăm dò tương tự do NHK tiến hành năm 2009, tỷ lệ người cảm thấy gần gũi với Hoàng gia đã tăng đáng kể, từ 60% lên 71%. 

Các nghi lễ trọng thể trong ngày hôm nay, 22/10, sẽ chính thức hóa việc đăng quang của Nhật hoàng Naruhito và nó được tổ chức trang trọng để nước Nhật giới thiệu với thế giới về vị vua mới của mình.

Trong số các quan khách nước ngoài dự kiến sẽ có mặt tại lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito có người đứng đầu Hoàng gia, nguyên thủ, lãnh đạo và quan chức cao cấp đến từ hơn 190 quốc gia và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế.

Hoàng Thái tử Nhật Bản thích thú khi ngắm cảnh sông Tiền trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009 - Ảnh: TTXVN

 

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito trong 2 ngày 22 và 23/10 tại Tokyo, Nhật Bản.

Đây là chuyến thăm hết sức có ý nghĩa, cho thấy Việt Nam mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản.

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Hoàng gia Nhật và tình cảm với Việt Nam

Trong lịch sử, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2017. Ngoài các cuộc gặp chính thức với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nhật hoàng và Hoàng hậu còn dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại Việt Nam, được người dân chào đón nồng nhiệt.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko luôn nắm tay nhau trong các sự kiện trước công chúng và vui vẻ trò chuyện với người trẻ Việt Nam - Ảnh: CAND

 

Một trong những hoạt động đáng chú ý của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko là chuyến thăm Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nơi đang lưu giữ hai hiện vật do Nhật hoàng Akihito tặng là cá bống trắng.

Là người say mê nghiên cứu các loài cá nước ngọt, Nhật hoàng Akihito đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ, khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970. Năm 1976, Nhật hoàng Akihito đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

Các hãng truyền thông quốc tế và Nhật Bản như AP, AFP, Kyodo, NHK đều nhận định, chuyến thăm Việt Nam – một trong những điểm công du nước ngoài cuối cùng của Nhật hoàng Akihito trước khi thoái vị - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Việt Nam về sự giản dị, gần gũi của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko và mối quan tâm đặc biệt của Hoàng gia Nhật Bản đối với Việt Nam.

Cũng như Thượng hoàng Akihito, tân Nhật hoàng Naruhito là người luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Điều này được thể hiện qua 2 chuyến thăm dài ngày với hàng loạt hoạt động thiết thực và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm với người dân Việt Nam.

Tân Nhật hoàng Naruhito từng đến thăm chính thức Việt Nam năm 2009 khi ông còn là Hoàng Thái tử. Trong chuyến thăm này, ngoài cuộc gặp chính thức với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Hoàng Thái tử Naruhito còn có chuyến thăm phố cổ Hội An, nơi có nhiều nét tương đồng với văn hóa Nhật Bản.

Hoàng Thái tử Naruhito đặc biệt quan tâm đến những ngôi nhà cổ, các sản phẩm gốm sứ có xuất xứ từ Hội An, nhất là những đồ gốm sứ kiểu Nhật Bản thế kỷ thứ 17. Trong chuyến đi dọc phố cổ Hội An, Hoàng Thái tử Naruhito đã rất ấn tượng với sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương. Ông đã nêu nhiều câu hỏi về lịch sử giao lưu trực tiếp giữa Việt Nam và Nhật Bản tại Hội An - thành phố mà nhiều người dân Nhật Bản từng sinh sống khoảng 4 thế kỷ trước.

Rời Hội An đến TPHCM, Hoàng Thái tử Naruhito bày tỏ hài lòng về cuộc sống tốt đẹp của hơn 3.000 người Nhật Bản tại đây cũng như hoạt động hiệu quả của 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản và nhiều dự án Nhật Bản hỗ trợ đang được triển khai. Hoàng Thái tử cũng đã đến thăm Trường Nhật Bản tại Quận 7, có buổi nói chuyện ngắn với các học sinh của trường và đến thăm Trung tâm Hợp tác phát triển Nhân lực Việt Nam-Nhật Bản.

Với những tình cảm của Hoàng gia Nhật với Việt Nam, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự lễ đăng quang của tân Nhật hoàng Naruhito được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

Theo kế hoạch, bắt đầu lễ đăng quang, vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản, trong trang phục hoàng bào, sẽ bước vào Phòng Khánh tiết, theo sau là các thị thần cầm biểu trưng của Hoàng gia (gươm và đá quý), quốc ấn và ấn riêng. Nhật hoàng sẽ bước đến và ngồi lên ngai vàng Takamikura trong chính điện. Tiếp đó, Hoàng hậu sẽ bước vào Phòng Khánh tiết và ngồi lên ngai Hoàng hậu bên cạnh ngai vàng của Nhật hoàng.

Trong nghi lễ sau đó, Nhật hoàng Naruhito sẽ phát biểu, chính thức tuyên bố lên ngôi Hoàng đế. Tiếp đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gửi lời chúc mừng Nhật hoàng và tiếp sau đó cùng các quan khách hô vang những lời chúc mừng Nhật hoàng. 

Tối 22/10, tại Hoàng cung, Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ chủ trì tiệc Hoàng gia với sự tham gia của các quan khách dự lễ đăng quang của Nhật hoàng. 

Một ngày sau đó, ngày 23/10, tại khách sạn New Otani ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi các quan khách quốc tế dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito.

Lễ diễu hành sau khi đăng quang dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10/11 theo nghi thức quốc gia để Nhật hoàng và Hoàng hậu đón nhận lời chúc mừng và chúc phúc của người dân. Theo kế hoạch, xe limousine mui trần chở Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako sẽ khởi hành tại Hoàng cung, diễu hành qua đường phố Tokyo và đến tư dinh trong khu vực Akasaka Estate. Thời gian diễn ra lễ diễu hành khoảng 30 phút. Tuyến đường diễu hành lần này dài khoảng 5 km và gần giống tuyến đường trong lễ diễu hành sau khi đăng quang của Thái Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko năm 1990. Khi đó, đoàn xe gồm 44 chiếc diễu hành trước sự chào đón của khoảng 117.000 người dân bên đường.

 
444 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 763
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 763
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88330440