Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) sẽ tham vấn ý kiến của cộng đồng ngư dân và các bên liên quan khác trước khi thông qua kế hoạch xả thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo thông báo được một quan chức cấp cao của TEPCO đưa ra ngày 26/8, công ty này đã đưa ra kế hoạch xả thải, sau khi đã xử lý và pha loãng nước nhiễm xạ, từ một điểm cách nhà máy này khoảng 1km.
Quan chức trên cho biết: "Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến từ cộng đồng ngư dân và những người khác. Chúng tôi hoan nghênh ý kiến của họ."
[Nhật Bản xây đường hầm dưới biển để xả thải từ nhà máy Fukushima]
Hiện khoảng 1,3 triệu tấn nước - một lượng đủ để lấp đầy khoảng 500 bể bơi có kích thước theo tiêu chuẩn Olympic - đang được lưu trữ trong các bể chứa lớn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Điều đáng nói là lượng nước này đã bị nhiễm xạ do tiếp xúc với nhiên liệu urani nóng chảy từ các lò phản ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thảm họa kép động đất-sóng thần năm 2011 tại tỉnh Fukushima.
Theo TEPCO, sẽ mất khoảng 100 tỷ yên (910 triệu USD) để xử lý và lưu trữ lượng nước nhiễm xạ này. Bên cạnh đó, không gian của các bể chứa cũng không còn nhiều khi tiếp tục có thêm nước mưa và nước ngầm chảy vào hằng ngày, do đó cần phải tiến hành xả thải ra đại dương.
TEPCO khẳng định sẽ pha loãng lượng nước nhiễm xạ trong bể chứa tới hơn 100 lần cùng với nước biển, để đảm bảo rằng dư lượng phóng xạ nằm trong ngưỡng an toàn trước khi được bơm ra đường hầm dưới đáy biển để đến điểm xả thải.
Công tác xây dựng đường hầm sẽ được triển khai vào tháng 3/2022, sau khi thực hiện các nghiên cứu khả thi và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Dự kiến, đường hầm này sẽ có đường kính khoảng 2,5 mét, với chiều dài khoảng 1km kéo dài về phía Đông Thái Bình Dương, từ các bể chứa chứa khoảng 1,3 triệu tấn nước đã qua xử lý của nhà máy Fukushima./.
Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)