Ngày 6/12, Kyodo News công bố kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã giảm mạnh từ 63% hồi tháng trước xuống còn 50,3%. Trong khi đó, tỷ lệ không ủng hộ nội các của ông Suga lại tăng từ mức 19,2% lên 32,8%.
Kết quả này là do nhiều người không tán thành cách Chính phủ Nhật Bản ứng phó với sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho rằng điều này đang làm ảnh hưởng đến các nỗ lực khôi phục kinh tế và kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympics và Paralympics vào mùa Hè năm sau của nước này.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2017, tỷ lệ ủng hộ nội các tại Nhật Bản giảm hơn 10 điểm. Chính quyền khi đó là người tiền nhiệm của ông Suga là ông Shinzo Abe.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế bằng cách hỗ trợ ngành du lịch, một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch COVID-19, bằng chiến dịch kích cầu nội địa "Go To Travel". Tuy nhiên, 48,1% số người được hỏi cho rằng chương trình được phát động trên toàn quốc này nên tạm dừng do lo ngại rằng việc khuyến khích đi du lịch trong nước càng làm trầm trọng thêm sự lây lan dịch bệnh.
[Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide giảm]
Thủ tướng Suga tuyên bố chính phủ đang ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới nhất với "ý thức mạnh mẽ về khủng hoảng". Ông cũng kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cơ bản, trong đó có đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, các nhà hàng rút ngắn thời gian mở cửa.... Thủ tướng Suga cho biết chính phủ sẽ chịu chi phí cung cấp vaccine phòng COVID-19, nhưng chưa thông báo thời điểm cụ thể bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng phòng bệnh.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng cam kết trong tuần tới, chính phủ sẽ hoàn tất quy mô của gói kích thích mới nhằm khôi phục kinh tế, duy trì việc làm và hoạt động kinh tế. Ông cho biết gói này bao gồm cả một quỹ trị giá 19 tỷ USD để đạt được mục tiêu mà ông đề ra là đưa Nhật Bản trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2050.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã tăng trưởng mạnh trong quý III/2020 nhờ chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại tốc độ tăng trưởng này của Nhật Bản có nguy cơ bị chậm lại do số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại trong thời gian gần đây./.
(TTXVN/Vietnam+)