Truyền thông Nhật Bản cho biết, việc xả nước có nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima nhằm mục đích lọc giảm độ phóng xạ. Quy trình xả nước sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm 2022. Nhà máy hạt nhân Fukushima là nhà máy bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần lớn năm 2011. Theo tờ Nikkei, tính đến tháng 9, lượng nước thải tồn đọng tại cơ sở nhà máy này lên tới 1,23 triệu tấn.
Quyết định này của chính phủ Nhật Bản sẽ kết thúc nhiều năm tranh cãi về cách xử lý chất lỏng nhiễm phóng xạ bao gồm cả nước. Đầu năm nay, một ủy ban đặc biệt của chính phủ cho biết việc xả nước ra biển là "những lựa chọn thực tế".
Sau khi báo cáo được công bố, các nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với đề xuất xả chất thải ra biển. Đồng thời, ngư dân và nông dân trong khu vực cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng người tiêu dùng sẽ từ chối sử dụng hải sản và các sản phẩm nông nghiệp từ khu vực.
|
Hàng triệu tấn nước thải đang được lưu trữ trong những bồn chứa này. (Ảnh: AFP) |
JF Zenyoren, liên đoàn các hợp tác xã thủy sản Nhật Bản, tuần trước cũng yêu cầu chính phủ không cho phép xả nước thải. Tổ chức này bày tỏ, họ sẽ phải tốn nhiều năm để có thể khôi phục lại danh tiếng của các sản phẩm nông nghiệp ở đây. Trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ, ông Hiroishi Kishi, chủ tịch JF Zengyoren, nhấn mạnh bất kỳ quyết định nào cũng có thể khiến các nước khác siết chặt các quy định nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản. Hàn Quốc vốn là quốc gia cấm nhập khẩu hải sản từ khu vực này cũng nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về các tác động môi trường.
Chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc giải pháp xử lý nước thải từ nhà máy Fukushima từ 3 năm nay. Nhưng vấn đề này trở nên ngày càng cấp thiết do sự thiếu hụt không gian lưu trữ nước, bao gồm nước ngầm và nước mưa thấm vào nhà máy.
Hầu hết các chất phóng xạ đều đã được loại bỏ bằng một quy trình lọc trừ một chất gọi là triti, chất không thể xử lý bằng các công nghệ hiện có. Theo các chuyên gia, chất triti chỉ gây hại cho con người với liều lượng rất lớn. Cơ quan Năng lương Nguyên tử quốc tế lập luận rằng nước nhiễm chất triti có thể lọc bằng cách pha loãng với nước biển và sau đó có thể thải ra đại dương một cách an toàn./.
Thu Thủy (Theo CNA)