Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã gặp các thành viên trong nội các của ông, bao gồm cả Bộ trưởng Công nghiệp Hiroshi Kajiyama, để chính thức hóa quyết định. Quyết định xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển được đưa ra một thập kỷ sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
Hoạt động này sẽ bắt đầu trong khoảng 2 năm, khoảng thời gian cho phép đơn vị điều hành nhà máy Tokyo Electric Power lọc nước để loại bỏ các đồng vị có hại, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận được sự cho phép của các cơ quan quản lý.
Chính phủ Nhật Bản coi xả nước là cần thiết để hoàn thành việc tháo dỡ nhà máy Fukushima và nhấn mạnh rằng nước lọc thường xuyên được thải ra bởi các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới.
Gần 1,3 triệu tấn nước thải, đủ để lấp đầy 500 bể bơi cỡ Olympic, được đựng trong các bể chứa khổng lồ tại trung tâm Fukushima Daiichi với chi phí hàng năm lên tới hơn 910 triệu USD.
Trong tuyên bố được đưa ra, Chính phủ Nhật Bản cho biết: "Dựa trên việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quy định đã được thiết lập, chúng tôi chọn xả thải ra đại dương", đồng thời chỉ ra rằng sẽ mất nhiều thập kỷ để hoàn thành dự án. Theo Chính phủ Nhật Bản, số nước này đã được xử lý loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium, nhưng vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp, và làm loãng theo quy chuẩn quốc tế.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các bên thứ ba khác sẽ tham gia vào kế hoạch, bảo đảm việc xả nước thải đã qua xử lý ở Fukushima ra biển được thực hiện một cách minh bạch.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đánh giá việc xả thải này cũng tương tự tại các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới. IAEA ủng hộ quyết định này vì các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ triti, sẽ bị loại bỏ khỏi nước hoặc giảm xuống mức an toàn trước khi thải ra ngoài. IAEA cũng đã chỉ ra rằng các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng quy trình tương tự để xử lý nước thải.
Phản ứng trước thông báo của Tokyo, Mỹ lưu ý rằng Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong việc quản lý địa điểm Fukushima kể từ khi hợp nhất 3 lò phản ứng cách đây 10 năm. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Đây là một tình huống độc đáo và phức tạp, Nhật Bản đã cân nhắc các lựa chọn và ảnh hưởng, minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng cách tiếp cận tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên thế giới".
Tuy nhiên, việc xả nước của Nhật Bản vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở nước này cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm" đối với việc xả nước. "Để bảo vệ lợi ích chung của quốc tế và sức khỏe, sự an toàn của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với phía Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Hàn Quốc bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" rằng quyết định này có thể có "tác động trực tiếp và gián tiếp" đến an ninh của người dân Hàn Quốc và môi trường của nước này. Hàn Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản cung cấp thêm thông tin cho thấy rằng họ sẽ tăng cường các hoạt động giám sát phóng xạ của mình.
Trước đây, các nghiệp đoàn đánh cá ở Fukushima cũng đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản không đổ nước bị ô nhiễm ra biển vì cho rằng điều đó sẽ gây ra "tác động thảm khốc" đối với ngành này./.
Khánh Linh (Theo báo chí nước ngoài)