Theo đó, lệnh tình trạng khẩn cấp bắt đầu từ ngày 8/1, và được áp dụng trong khoảng thời gian một tháng.
Các hạn chế nghiêm ngặt nhất được đưa ra nhằm hạn chế sự lây truyền virus trong các quán bar và nhà hàng, những nơi mà chính phủ Nhật Bản coi là có nguy cơ cao nhất.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura, đang giám sát cuộc chiến chống dịch, cho biết dự thảo đã được thông qua tại một cuộc họp buổi sáng.
Theo đài truyền hình NHK, mặc dù cuộc khủng hoảng y tế không ảnh hưởng nặng nề đến Nhật Bản như nhiều nước trên thế giới song số ca nhiễm mới lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 vào ngày 6/1 vừa qua. Tại Tokyo, hơn 2.000 ca nhiễm COVID-19 dự báo sẽ được ghi nhận vào ngày 7/1. Đây sẽ là một kỷ lục hằng ngày mới sau con số 1.591 ca được ghi nhận vào ngày hôm trước.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản trước đó đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với chuyên gia y tế để đánh giá các biện pháp cần thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh và để COVID-19 ảnh hưởng ít nhất có thể đến nền kinh tế nước này, vốn đã bị ảnh hưởng kể từ khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 3/1 cũng đã thảo luận với Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato, Bộ trưởng y tế Norihisa Tamura, Bộ trưởng phục hồi kinh tế Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng du lịch Kazuyoshi Akaba về cách chính phủ nên phản hồi các đề nghị của các thống đốc yêu cầu chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca COVID-19 lây lan nhanh chóng.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết do tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa lúc 8 giờ tối, việc đi lại không cần thiết và các cuộc tụ tập công cộng bị hạn chế mạnh mẽ.
Đây sẽ là lần thứ 2 các khu vực ở Nhật Bản bước vào tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19. Lần ban bố tình trạng khẩn cấp đầu tiên diễn ra mùa xuân năm 2020, yêu cầu các trường học, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa, kéo dài hơn một tháng.
Thủ đô Tokyo đã nâng mức báo động COVID-19 lên cao nhất vào ngày 17/12/2020./.
Khánh Linh (Theo NHK, Reuters)