Ngày 22/12, Nhật Bản đã nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về chuyển giao thiết bị quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia có cùng chí hướng cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa liên quan thông qua hoạt động xuất khẩu vũ khí và đạn dược.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí.
Bước đi này được đánh giá là một sự thay đổi đáng kể đối với Nhật Bản, quốc gia từ lâu vẫn duy trì các điều kiện nghiêm ngặt về xuất khẩu vũ khí theo Hiến pháp từ bỏ chiến tranh vì lo ngại quyết định tham gia những hoạt động thương mại như vậy có nguy cơ khiến Tokyo rơi vào vòng xoáy xung đột quốc tế.
Theo “ba nguyên tắc” sửa đổi về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng cùng với các hướng dẫn thực hiện, Chính phủ Nhật Bản cho phép xuất khẩu vũ khí sản xuất trong nước đến những quốc gia mà những vũ khí này được cấp phép sử dụng.
Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Mỹ tên lửa đất đối không dẫn đường Patriot sản xuất trong nước và được các công ty Mỹ cấp phép.
“Ba nguyên tắc” sửa đổi cũng cho phép Nhật Bản bán các bộ phận của vũ khí không gây sát thương như động cơ máy bay chiến đấu và cung cấp thiết bị quốc phòng cho các quốc gia có xung đột.
Kể từ khi ban hành ba nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ ký kết được một hợp đồng bán radar phòng không cho Philippines năm 2020.
Nếu trở thành hiện thực, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí có thể là một sự thay đổi đáng kể đối với Nhật Bản, quốc gia từ lâu vẫn duy trì các điều kiện nghiêm ngặt về vấn đề này theo Hiến pháp.
Trong nội bộ chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản có ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tác xuất khẩu vũ khí là các quốc gia có quan hệ tốt, có hợp tác về mặt phòng vệ với Nhật Bản, đồng thời bổ sung thêm mục đích xuất khẩu vũ khí là nhằm loại bỏ mìn và phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.
Việc điều chỉnh ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí được Chính phủ Nhật Bản đề cập trong Chiến lược An ninh Quốc gia thông qua tháng 12/2022./.