Theo TTXVN, chương trình nói trên trị giá 23,5 tỷ yen (220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm bớt đà đi xuống của nền kinh tế do COVID-19, sẽ giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất ô tô và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Trong một nỗ lực khác nhằm củng cố chuỗi cung ứng, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 220 tỷ yen để thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng hiện phải nhập khẩu nhiều từ những khu vực nhất định.
Cũng nằm trong gói kích thích kinh tế nói trên, những khoản trợ cấp này sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất ở nước ngoài về trong nước.
Chương trình này cũng nhằm vào những nhà sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho người dân Nhật Bản, hướng tới "một cuộc sống lành mạnh" trong bối cảnh đại dịch, trong đó có khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Các công ty này cũng có thể nhận được trợ cấp khi mở thêm nhà máy hoặc thúc đẩy công suất hiện có của mình ở Nhật Bản.
|
63,9% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh TG&VN |
Doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam để 'trốn rủi ro'
Trước đó, sáng 14/2/2020, tại Hà Nội, văn phòng JETRO Hà Nội đã công bố kết quả "Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm tài chính 2019". Kết quả khảo sát cho thấy những điểm sáng và tín hiệu lạc quan trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.
Dẫn lời ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO, báo Thế giới và Việt Nam cho biết: Năm 2019, 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát có định hướng mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, đứng đầu trong ASEAN.
Các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là do kỳ vọng lớn về việc gia tăng doanh thu. Bên cạnh đó, triển vọng về lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam khá cao với tỉ lệ doanh nghiệp được dự tính có lợi nhuận kinh doanh năm 2019 là 65,5%. Tuy tình hình kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang suy giảm nhưng Việt Nam vẫn có nhiều doanh nghiệp vững mạnh.
Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới các dự án liên quan đến điện và thành phố thông minh. Các lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư nhiều trong thời gian tới có thể chia làm 2 loại: Doanh nghiệp sản xuất, gia công để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, hướng vào thị trường nội địa Việt Nam.
Doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam hướng vào thị trường nội địa Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng (Uniqlo), công nghệ thông tin (IT), công nghệ số, lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật môi trường. Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cũng được doanh nghiệp Nhật bản quan tâm. Ngoài ra, lĩnh vực du lịch đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng, song do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có độ trễ hơn. Hằng năm, 1,4 triệu du khách qua lại giữa hai quốc gia, đây là lĩnh vực rất tiềm năng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trong số 122 doanh nghiệp trả lời rằng có di chuyển địa điểm sản xuất trong thời gian tới, thì nguồn di chuyển là từ Trung Quốc với 62,7%, còn nơi di chuyển đến là Việt Nam với 42,3%, đứng vị trí số 1.
Ông Takeo Nakajima cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam (hoặc một số nước khác) không phải là chuyển hoàn toàn cơ sở sản xuất, kinh doanh mà vẫn duy trì ở Trung Quốc và mở thêm cơ sở ở Việt Nam (hoặc một số nước khác), nhằm phân tán rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc. Có thể thời gian tới, có xu hướng nếu Trung Quốc gặp khó trong xuất khẩu thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Nguyên nhân của việc di chuyển địa điểm sản xuất không chỉ là tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà còn là bởi thực tế rằng hiện nay chi phí sản xuất ở Trung Quốc khá cao, nên có thể các doanh nghiệp Nhật Bản muốn phân tán rủi ro trong sản xuất kinh doanh, và một trong các địa bàn được lựa chọn là Việt Nam. Môi trường đầu tư, quy mô và tính tăng trưởng của thị trường được các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Số doanh nghiệp đánh giá rằng chi phí nhân công rẻ là lợi thế đã giảm so với năm ngoái.
Sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam phần lớn được xuất khẩu sang Nhật. Năm 2019, tỉ lệ xuất khẩu sang Nhật Bản là cao nhất với 65%, tăng 2,6%. Tỉ lệ áp dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng lên 54%. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm đến việc cải thiện năng suất, đặc biệt là việc ứng dụng robot và quan tâm lớn đến việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp địa phương.
Trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, tỷ lệ thu mua linh phụ kiện, vật liệu nội địa là 36,3%, không thay đổi so với năm trước, tỷ lệ thu mua từ doanh nghiệp địa phương là 13,6% và có khả năng cải thiện hơn.Tốc độ tăng tiền lương cho lao động làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản có chậm lại so với trước đây nhưng vẫn ở mức cao là 7%, tuy nhiên, mức lương vẫn còn ở mức thấp.
5 lý do doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam
Cũng theo điều tra của JETRO, trong số những doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp dệt may tăng 14,1%, hàng điện tử tăng 15,6%.
Doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để đầu tư vì 5 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Việt Nam có chế độ chính trị tương đối ổn định so với các nước Đông Nam Á.
Thứ hai, những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận CPTPP với Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do với EU, quan hệ Việt - Mỹ ổn định, rất có lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản nếu muốn đặt cơ sở gia công xuất khẩu ở Việt Nam.
Thứ ba, quan hệ Việt - Nhật rất tốt đẹp, giúp doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế hơn khi đàm phán với Việt Nam, từ đó có cảm giác an toàn hơn.
Thứ tư, Việt Nam gần khu vực Đông Á, vừa thuận tiện cho việc nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, bán thành phẩm từ Trung Quốc, vừa tiện lợi cho việc xuất khẩu sang các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ năm, Việt Nam có đường bờ biển dài, chi phí vận chuyển thấp./.