Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã phóng tên lửa từ một khu vực lân cận vùng ngoại ô Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 5 giờ 57 phút sáng. Quả tên lửa đã bay qua vùng không phận Nhật Bản và rơi xuống vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương. JCS cho biết thêm, quả tên lửa của Triều Tiên đã bay được 1 hành trình dài hơn 2.700 km, ở độ cao tối đa khoảng 550 km.

Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo không phải là điều xa lạ. Song sự việc lần này lại đặc biệt gây chú ý bởi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đang bị đẩy lên một cấp độ nguy hiểm sau khi các màn “đấu khẩu quyết liệt” giữa lãnh đạo hai nước vừa kết thúc cách đây không lâu. Vụ phóng tên lửa qua vùng không phận Nhật Bản lần thứ 5 do Triều Tiên thực hiện, đã phá vỡ “bầu không khí yên lặng tạm thời” vừa được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên và ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày xác nhận Triều Tiên đã phóng tên lửa bay qua vùng không phận Nhật Bản. Hiện Lầu Năm góc đang tiếp tục đánh giá các thông tin liên quan tới vụ việc. Trong một tuyên bố đầu tiên, Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Quốc phòng Bắc Mỹ (NORAD) khẳng định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không đe dọa tới khu vực Bắc Mỹ.

Nhật Bản lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất

Phát biểu trong cuộc họp báo khẩn diễn ra vào sáng 29/8, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định, quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương, cách Cape Erimo, Hokkaido khoảng 1.180 km về phía Tây. Theo thông tin phân tích sơ bộ, quả tên lửa của Triều Tiên có thể đã bị tách ra làm 3 phần trước khi rơi xuống biển. Ông Suga cho biết, Nhật Bản không phát hiện mảnh vỡ nào từ tên lửa của Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ nước này.

Cùng ngày, hãng thông tấn Kyodo dẫn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đã không cố gắng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên, dựa trên luật phòng vệ tập thể. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sự an toàn của người dân nước này sau vụ phóng tên lửa mới nhất do Triều Tiên thực hiện vào sáng 29/8.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố cơ quan này sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để thu thập và phân tích mọi thông tin cần thiết liên quan tới vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Phát biểu trước phóng viên sáng 29/8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố chính quyền Tokyo lên án vụ phóng tên lửa cùng ngày của Triều Tiên bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất. Ông Kono cho biết, Nhật Bản hiện đang phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc để hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một phiên họp khẩn về tình hình Triều Tiên. Đại diện ngoại giao Nhật Bản cho rằng, chính quyền Tokyo cần duy trì một lập trường cứng rắn tại diễn đàn Liên hợp quốc sau khi Triều Tiên đã phóng tên lửa mà không đưa ra thông báo trước.

Sáng 29/8, hãng thông tấn NHK dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Liên hợp quốc cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang chuẩn bị triệu tập một phiên họp khẩn vào chiều cùng ngày để thảo luận về vấn đề Triều Tiên, theo yêu cầu của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán

Trong một tuyên bố đưa ra vào sáng 29/8, chính phủ Hàn Quốc đã mạnh mẽ lên án hành vi khiêu khích về tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt lối hành xử tương tự và quay trở lại bàn đàm phán “sớm nhất có thể” để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi mạnh mẽ lên án việc Triều Tiên vẫn thực hiện thêm một hành vi khiêu khích tiếp theo, bất chấp thông điệp cứng rắn đã được đưa ra trong bản nghị quyết 2371 được cộng đồng quốc tế thông qua sau các hành vi khiêu khích, mang tính chiến lược lặp đi lặp lại của Triều Tiên… Triều Tiên cần quay trở lại con đường đối thoại sớm nhất có thể, dựa trên cơ sở thừa nhận thực tế rằng, giải trừ vũ khí hạt nhân là con đường duy nhất dẫn tới an ninh và phát triển kinh tế, chứ không phải là thông qua việc theo đuổi các hành vi khiêu khích thiếu thận trọng” – tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc nêu rõ.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết bà sẽ sớm điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đang cân nhắc tiến hành điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Khi phóng viên đưa ra câu hỏi về những biện pháp trả đũa nào sẽ được đưa ra trước hành vi khiêu khích mới nhất của Triều Tiên, bà Kang Kyung-wha cho biết, điều này phụ thuộc vào kết quả của tiến trình tham vấn chặt chẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Cùng ngày, JCS cũng ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “sự đáp trả quyết đoán” nếu vẫn còn tiếp tục theo đuổi lối hành xử “hiếu chiến” như hiện nay. JCS lưu ý đây đã là vụ phóng tên lửa đạn đạo lần thứ 13 do Triều Tiên thực hiện từ đầu năm 2017 cho tới nay. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như đe dọa tới hòa bình và ổn định trên thế giới. Hàn Quốc và Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ để có thể đưa ra sự đáp trả quyết đoán trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục thực hiện thêm các hành vi khiêu khích.

Trong khi đó, sáng ngày 29/8, lực lượng không quân Hàn Quốc cho biết, 4 chiếc máy bay F-15K của nước này đã được huy động tham gia vào một cuộc tập trận bắn đạn thật trong một động thái nhằm phản ứng trước vụ phóng tên lửa do Triều Tiên vừa thực hiện. Trong cuộc tập trận, các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đã thả 8 quả bom MK-84, mỗi quả nặng khoảng 1 tấn vào mục tiêu giả định tại khu vực Pilseung Range thuộc phía Đông tỉnh Gangwon. Lực lượng không quân Hàn Quốc khẳng định các quả bom đã nhắm trúng mục tiêu. Cuộc tập trận này được thực hiện nhằm mục đích nâng cao khả năng tiêu diệt toàn bộ hệ thống lãnh đạo của kẻ thù trong trường hợp khẩn cấp./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)