Nhật Bản giữ nguyên đánh giá về kinh tế dù lạm phát tăng cao 

Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên nhận định đối với hầu hết các yếu tố trong nền kinh tế, từ xuất khẩu cho tới chi tiêu của doanh nghiệp, nhưng điều chỉnh đánh giá về đầu tư công.
Nhật Bản giữ nguyên đánh giá về kinh tế dù lạm phát tăng cao

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 24/11, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế trong nước tháng 11/2022, trong đó giữ nguyên nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang phục hồi vừa phải bất chấp việc lạm phát tăng cao.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên nhận định về nền kinh tế trong báo cáo hằng tháng.

Trong báo cáo trên, Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên nhận định đối với hầu hết các yếu tố trong nền kinh tế, từ xuất khẩu cho tới chi tiêu của doanh nghiệp, nhưng điều chỉnh đánh giá về đầu tư công. Xuất khẩu "gần như không thay đổi.”

[Nhật Bản cam kết thực thi mọi biện pháp nhằm đẩy lùi lạm phát]

Trong số các yếu tố chủ chốt của nhu cầu trong nước, đầu tư kinh doanh đang "tăng lên," trong khi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, đang phục hồi "ở mức độ vừa phải."

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cảnh báo về những biến động trên thị trường tài chính sau khi đồng yen giảm mạnh so với đồng USD.

Báo cáo lưu ý: “Nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi vừa phải… Cần chú ý đầy đủ vấn đề tăng giá, căng thẳng về nguồn cung và biến động trên thị trường tài chính và vốn.”

Báo cáo được công bố trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kể từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện 6 đợt tăng lãi suất liên tiếp, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Điều này đã khiến khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế liên tục nới rộng, dẫn tới đồng yen liên tục mất giá so với đồng USD.

Sự mất giá mạnh của đồng yen đi kèm với việc giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thô và lương thực trên thế giới tăng cao đã khiến giá hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, đẩy lạm phát ở Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm 1,2% trong quý 3 năm nay.

Sau sự sụt giảm bất ngờ này, các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng dương trong quý cuối năm nay.

Mặc dù vậy, trong những tuần gần đây, Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc mới COVID-19.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nước này đã bước vào "làn sóng lây nhiễm thứ 8" của dịch COVID-19.

Dịch bệnh tái bùng phát khiến không ít người lo ngại tác động tiêu cực đối với chi tiêu dùng cá nhân.

Ngày 28/10 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 71.600 tỷ yen (hơn 490 tỷ USD) nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước, đồng thời hỗ trợ đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế.

Trong gói kích thích kinh tế này, tổng chi tiêu công, bao gồm đầu tư công và cho vay cũng như các khoản chi của các chính quyền địa phương, lên tới 39.000 tỷ yen; phần còn lại là các khoản chi của khu vực tư nhân.

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2022 có tổng trị giá 29.100 tỷ yen (gần 200 tỷ USD) để tài trợ cho gói kích thích kinh tế này./.

Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

 

555 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1451
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1451
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108859