Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Taro Aso đã nhấn mạnh cần hỗ trợ hệ thống y tế để đương đầu với các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 và các dịch bệnh khác.
Theo ông Aso, việc thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân sẽ giúp củng cố hệ thống y tế ngăn chặn những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm tại khu vực có dân số đang già hóa này.
Số tiền đóng góp trên sẽ được chuyển vào Quỹ Nhật Bản vì khu vực châu Á - Thái Bình Dương Thịnh vượng và Thích ứng. Quỹ này ủng hộ nỗ lực của ADB trong giải quyết các vấn đề về y tế, biến đổi khí hậu, hạ tầng cơ sở, nợ và người nghèo chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Châu Á hiện chiếm hơn 16% trên tổng số hơn 150 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Một số nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới khi làn sóng dịch bệnh đáng sợ hiện đang nhấn chìm đất nước đông dân thứ 2 thế giới, đã khiến kinh tế khu vực phục hồi không đồng đều.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết, việc kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 được coi là “chìa khóa” lớn nhất để tránh khỏi cuộc khủng hoảng y tế. Ông Taso cũng nhấn mạnh, việc tăng cường phát triển vaccine ngừa COVID-19 cũng như việc đảm bảo cách tiếp cận vaccine công bằng cho các nước đang phát triển cũng là điều cần thiết.
Tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sẽ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 41 triệu USD cho 25 quốc gia khu vực châu Á và các đảo ở Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ xây dựng mạng lưới phân phối vaccine ngừa COVID-19.
Quốc gia Đông Á này cũng cam kết tài trợ 200 triệu USD cho Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm chia sẻ vaccine cho các nước nghèo./.
Hoài Hà (Theo Reuters, Japan Times)