Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ 

Một nhóm chuyên gia y tế do ông Wakita Takaji (Oa-ki-ta Ta-ca-ghi), Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng ngừa nguy cơ hệ thống y tế nước này sụp đổ trong trường hợp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến.
Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ

Nhóm chuyên gia này khuyến cáo số ca nhiễm virus nguy hiểm gây bệnh COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng, chủ yếu ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa phải chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh như ở nhiều nước khác. Mặc dù vậy, hệ thống y tế ở một số khu vực tại Nhật Bản đang rơi vào tình trạng quá tải. Dựa trên các báo cáo về các cụm lây nhiễm mới được phát hiện, các cơ sở y tế có thể sẽ không hoạt động bình thường ngay cả khi chưa có sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm bệnh.

Các chuyên gia trên hối thúc chính quyền 5 địa phương, gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Osaka (Ô-xa-ca), Kanagawa (Ca-na-ga-oa), Aichi (A-i-chi), Hyogo (Hy-ô-gô) cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp càng sớm, càng tốt.

Đối với các trường học, nhóm chuyên gia này cho rằng có vẻ như trẻ em chưa đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan. Mặc dù vậy, nhóm vẫn khẳng định việc đóng cửa các trường học là một phương án ở những khu vực có nguy cơ bùng nổ về số ca nhiễm bệnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động phù hợp với tình hình ở từng khu vực và cộng đồng.

Trong khi đó, ngày 1/4, chính quyền tỉnh Yamanashi (Y-a-ma-na-si) đã xác nhận một trẻ sơ sinh ở tỉnh này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và đang trong tình trạng nguy kịch.

Bé gái này đã nhập viện hôm 31/3 sau khi rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn. Các bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm phổi cấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé gái đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện tại, bé gái này đang được chữa trị tại khoa chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đại học Yamanashi.

Theo hãng tin Jiji Press, do bố mẹ của trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên chính quyền tỉnh Yamanashi đang điều tra nguyên nhân khiến bé bị nhiễm SARS-CoV-2.

Đài truyền hình NHK dẫn lời chuyên gia Morishima Tsuneo (Mô-ri-si-ma Sư-ê-ô) của Đại học Y khoa Aichi cho biết thông thường, trẻ em có triệu chứng nhẹ khi nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, gần đây ở một số nước đã xuất hiện trường hợp trẻ em, nhất là những em dưới 3 tuổi, bị rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi nhiễm virus nguy hiểm này. Vì vậy, ông kêu gọi các trường mẫu giáo và các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ cần có các biện pháp phòng ngừa quyết liệt.

Tại Tokyo, các số liệu thống kê cho thấy có tới gần 40% số ca mắc COVID-19 đều dưới 40 tuổi. Cụ thể, trong số 416 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tokyo trong thời gian từ ngày 25/3 đến 1/4, số người ở độ tuổi 30 chiếm tỷ lệ cao nhất (89 ca), trong khi số người ở độ tuổi 20 là 26, ở độ tuổi từ 10 đến 19 là 8, và chỉ có 4 ca  dưới 10 tuổi.

Mặc dù vậy, giới chức thủ đô Tokyo cho rằng các trường hợp đã được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 trong giới trẻ có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Họ kêu gọi giới trẻ cần hành động một cách cẩn trọng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh.

Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) vừa thông báo kế hoạch phân phát cho mỗi hộ gia đình ở nước này hai khẩu trang vải để phòng chống dịch COVID-19. Việc phân phát sẽ được thực hiện thông qua hệ thống bưu chính bắt đầu vào cuối tháng này ở những tỉnh, thành có số ca lây nhiễm cao. Chi phí mua khẩu trang sẽ được đưa vào gói ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020./.

 
Đào Thanh Tùng
186 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 938
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 938
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218111