Tham vọng từ Abenomics…

Ngay sau khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố chủ thuyết kinh tế mang tên Abenomics, với mục tiêu đầy tham vọng là đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này thoát khỏi giảm phát và suy thoái triền miên.

Abenomics đưa ra 2 giải pháp cốt lõi là in thêm tiền và tăng cường chi tiêu công để kích thích tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ in thêm tiền, nhưng khống chế ở mức lạm phát đạt 2%, cùng với việc gia tăng chi tiêu công thông qua gói kích thích kinh tế 114 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng chi tiêu quốc phòng.

Nội dung cốt lõi của chính sách kinh tế Abenomics 1.0, thể hiện ở thuật ngữ “ba mũi tên”. Mũi tên thứ nhất là “ngân sách”, nhằm kích thích kinh tế tạo sự khác biệt với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của EU. Mũi tên thứ hai là “tiền tệ”, nhằm cải cách chính sách tiền tệ, gia tăng lạm phát mục tiêu. Mũi tên thứ ba là “cải cách” cơ cấu và khơi dậy tiềm năng của người Nhật.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Thủ tướng Abe lại phải khởi động Abenomics phiên bản 2.0, hay còn gọi là giai đoạn 2 của Abenomics, bởi trước đó mũi tên thứ ba không thành công do giải pháp lợi nhuận cao không hiệu quả trong kích thích đầu tư. Trong khi thu nhập của người lao động chỉ tăng ở mức khiêm tốn, khiến tỷ số bị san bằng so với mức lạm phát và thuế giá trị gia tăng, khiến GDP năm 2014 tăng trưởng âm.

Abenomics 2.0 nhấn mạnh mục tiêu kinh tế gắn hơn với an sinh xã hội, cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng được đẩy lên 600 nghìn tỷ yen so với con số 490 nghìn tỷ yen trước đó. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con, nhằm khắc phục tình trạng lão hoá, dân số giảm và giữ mức 100 triệu dân vào năm 2065, đồng thời cải thiện an sinh xã hội.

Đến những thành tựu nổi bật…

Với hy vọng phục hồi nền kinh tế vốn trì trệ kéo dài, Abenomics 2.0 sử dụng hiệu ứng từ sự kết hợp một loạt các chính sách khác nhau, bao gồm: chính sách tiền tệ táo bạo; chính sách tài khóa linh hoạt và một chương trình cải cách cơ cấu, nhằm đưa GDP đạt mức 600 ngàn tỷ yen vào năm 2020.

Nới lỏng tiền tệ thông qua một số biện pháp cụ thể như: Mục tiêu lạm phát, phá giá đồng yen, lãi suất âm và sửa đổi luật ngân hàng… đã được chính phủ Nhật Bản thực hiện một cách có hiệu quả. Các chính sách tài khóa cũng được sử dụng một cách linh hoạt bằng việc tăng lượng cung tiền và tăng chi tiêu công, lưu thông tiền tệ được kích hoạt, thông qua đó cải thiện nền kinh tế. Tiếp đó, là một chương trình cải cách cơ cấu với việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, gia tăng kết nối kinh tế toàn cầu, tăng cường nguồn nhân lực và tạo thị trường mới được đẩy mạnh.

Nhật Bản rất coi trọng các thỏa thuận đa phương. Trong khi Mỹ rút khỏi TPP, thì Tokyo liền chớp thời cơ, nắm giữ vai trò dẫn dắt, thông qua việc chuyển đổi TPP thành CPTPP. CPTPP hiện nay có tổng kim ngạch thương mại khoảng 10 nghìn tỷ USD, chiếm 15% giá trị hoạt động thương mại toàn cầu. Nếu Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia… gia nhập, thì con số này sẽ tăng thêm khoảng 4,9 nghìn tỷ USD.

Trong thỏa thuận thương mại FTA Nhật Bản - EU, thì từ năm 2035, nước này sẽ loại bỏ thuế đối với khoảng 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU, châu Âu cũng sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan theo từng giai đoạn đối với khoảng 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Tokyo còn chủ trương khởi động các vòng đàm phán thương mại vào năm 2019 với Mỹ.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do giảm và già hóa dân số, bên cạnh việc triển khai cuộc “cách mạng robot” khởi xướng năm 2015 thì Nhật Bản đã mở cửa cho người lao động nước ngoài. Tính tới tháng 10/2017, có 1,28 triệu lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó lao động Trung Quốc chiếm gần 30%, Việt Nam (19%), Philippines (12%) và Brazil (9%). Theo kế hoạch, từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ đón nhận thêm nhiều lao động nước ngoài thông qua hoạt động cấp quy chế công dân mới.

Với Abenomics của Thủ tướng Abe, kinh tế Nhật Bản đã đạt những thành tựu nổi bật. GDP thực tế đã tăng 6,3% so với trước đó. Đặc biệt GDP danh nghĩa sau 5 năm đã tăng trưởng hơn 10%. Tình hình tài chính được cải thiện, tổng thu chi của nhà nước và địa phương đã tăng lên khoảng 22 ngàn tỷ yen; cán cân tài chính được cải thiện rõ rệt, thâm hụt ngân sách giảm mạnh từ 8,8% xuống 2,8%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. 

Và ngôi vị số 2 vẫn phải chờ…

Như vậy, chủ thuyết kinh tế Abenomics của Nhật Bản với “ba mũi tên” là nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu, đã mang lại những thành tựu đáng khích lệ, khiến diện mạo của nền kinh tế Nhật Bản được cải thiện rõ rệt. Sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản đã được ghi nhận trong nước, khu vực và cả thế giới.

Tuy nhiên, Abenomics tiếp tục dựa trên “ba mũi tên” đã cho thấy những hạn chế, nhất là mũi tên thứ 3, sự triệt tiêu lẫn nhau của các giải pháp kinh tế vĩ mô (kích cầu tiêu dùng cho đầu tư và nâng cao đời sống; tăng thu nhập cho người lao động với mức tăng lạm phát và thuế giá trị gia tăng...)

Vì thế, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ nước này từ tháng 10/2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh trật tự thế giới mới đang chuyển động từ định hướng sang định hình. Cuộc chạy đua chiếm ngôi vị xứng đáng trong tốp đầu của nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Trong đó, phải kể đến các ứng cử viên cho ngôi vị dẫn đầu thế giới vẫn là Mỹ và Trung Quốc; Ấn Độ cũng đang là ứng cử viên cho vị trí số 3.

Vì thế, tính khả thi của cuộc đua nhằm “tái chiếm” vị trí số 2 trong nền kinh tế toàn cầu của Nhật Bản hiện vẫn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm