Những gián đoạn và thay đổi chuỗi cung toàn cầu đều tác động, gây hệ luỵ không nhỏ
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, thúc đẩy hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia với trọng tâm là mở cửa kinh tế, tạo điều kiện kết hợp hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, mở rộng không gian phát triển.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là đòi hỏi khách quan, đồng thời cũng là nhu cầu nội tại trong tiến trình phát triển kinh tế của các quốc gia. Trong quá trình vận hành của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như tuyến "huyết mạch" của kinh tế thế giới.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gây xáo trộn kinh tế, xã hội của các quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm các yếu tố đan xen phức tạp như: Hiện tượng thời tiết cực đoan; thiên tai; đại dịch; năng lực sản xuất yếu; thiếu hụt nguồn cung và nhân lực; nút thắt logistics và hiệu quả hoạt động cảng thấp; chiến tranh thương mại; xung đột địa chính trị.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Vì vậy, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Những gián đoạn và thay đổi chuỗi cung toàn cầu đều tác động, gây hệ luỵ không nhỏ đến quá trình phát triển đất nước.
Những gián đoạn và thay đổi chuỗi cung toàn cầu đều tác động, gây hệ luỵ không nhỏ đến quá trình phát triển đất nước.
XU HƯỚNG TÁI ĐỊNH HÌNH VÀ VẬN HÀNH CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU
Khi dịch COVID-19 xảy ra, hầu hết các hoạt động kinh doanh đều bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng. Đơn cử, đối với kinh tế Mỹ, vào thời điểm tháng 3 năm 2021, có tới 95% doanh nghiệp phản ánh chuỗi cung ứng của họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy vậy, sau một thời gian ngắn nổ ra đại dịch, giới kinh doanh đã tìm ra giải pháp tăng cường chuỗi cung ứng, nắm bắt cơ hội, tạo dựng niềm tin đối với khách hàng.
Đại dịch đã dạy cho cộng đồng doanh nghiệp về tính linh hoạt, dễ thích nghi của chuỗi cung ứng và mạng lưới vận tải hàng hóa trong bối cảnh mới sao cho cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng lấy lại cân bằng để tiến hành sản xuất kinh doanh không chỉ trong giai đoạn đại dịch mà còn phát triển trong thời kỳ bình thường mới.
Dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị và các yếu tố bất định khác đã tạo nên 5 xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu trong thập kỷ tới.
Thứ nhất: Chuỗi cung ứng linh hoạt, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững.
Trong đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy chuỗi cung ứng mạnh, bền vững là chuỗi cần có nhiều nhà cung ứng, đồng thời doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp cung ứng hoạt động trên cùng khu vực địa kinh tế. Steve Sensing, Tổng giám đốc Hãng Giải pháp chuỗi cung ứng toàn cầu (Ryder) của Mỹ đúc kết: "Chuỗi cung ứng mạnh không bao giờ xếp tất cả "trứng vào một giỏ", đồng thời có lợi thế địa kinh tế với các nhà cung ứng".
Khi đại dịch xảy ra, doanh nghiệp có lợi thế địa kinh tế với các nhà cung ứng sẽ thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác trong việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Điều này phản ánh để tồn tại và thích nghi trong bối cảnh thế giới có biến động và bất định, chuỗi cung ứng cần đa dạng mạng lưới trong cùng khu vực địa kinh tế.
Khi biến động và bất định xảy ra, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ nhanh chóng chuyển đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp cung ứng phải có hệ thống vận chuyển năng động, linh hoạt nhằm đáp ứng ngay nhu cầu thay đổi của khách hàng. Ryder cho thấy dịch vụ vận tải tăng tới 150% khi hãng này chuyên chở tất cả các loại hàng hoá tiêu dùng đóng gói cho khách hàng.
Trong thời gian đại dịch, nhiều khách hàng của Ryder phải tạm thời đóng cửa do lệnh phong tỏa, Ryder đã linh hoạt chuyển đổi hàng nghìn toa xe, máy kéo, xe moóc và tài xế từ các tuyến vận chuyển truyền thống sang chuyên chở hàng hoá tiêu dùng đóng gói.
Sự linh hoạt đã tạo cho Ryder khả năng phục vụ người tiêu dùng thực phẩm và đồ uống, đồng thời sử dụng được các toa xe chuyên chở từ kho hàng tới cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, chuỗi cung ứng có mạng lưới vận tải năng động, linh hoạt trở thành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới xảy ra biến cố.
Vừa qua, do đại dịch, người tiêu dùng không dám đến cửa hàng nên họ đã chuyển sang mua sắm trực tuyến. Đây là thời điểm và cơ hội để thương mại điện tử tăng trưởng ngoài sự mong đợi của các nhà kinh doanh. Năm 2021, thương mại điện tử đạt doanh số 800 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2020, trước đó với dự báo khả quan nhất, con số 800 tỷ USD doanh thu phải đến năm 2022 mới có thể đạt được.
Khi đại dịch bùng phát, hàng nghìn nhà bán lẻ đã tìm đến Ryder để giúp họ cung ứng đủ hàng hoá cho nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng vì các nhà bán lẻ tin tưởng vào tính minh bạch trong hệ thống giao hàng của Ryder. Sự minh bạch về xuất sứ hàng hóa, thực hiện đúng cam kết về thời gian và địa điểm giao hàng là chữ tín quan trọng nhất của đơn vị cung ứng đối với các nhà bán lẻ.
Hiện nay, các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sử dụng công nghệ số và mô hình kinh doanh nền tảng, tạo môi trường cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng trực tiếp tương tác với nhau, thuận lợi trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ và tạo nên giá trị cho các bên tham gia.
Điều này phản ánh công nghệ số và thương mại điện tử sẽ là xu hướng và giải pháp chủ đạo, quan trọng để vận hành chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới hoạt động kinh tế, xã hội như giai đoạn đại dịch hoành hành vừa qua.
Điều này minh chứng việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử minh bạch, phù hợp với mong đợi của khách hàng là xu hướng phát triển của chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Thứ hai: Mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn quyết định tương lai của chuỗi cung ứng, nhưng mạng lưới sản xuất khu vực sẽ gia tăng.
Thập kỷ toàn cầu hóa hiện nay vẫn đang tiếp diễn, tuy vậy những bất định và rủi ro chính sách đang thúc đẩy quá trình phân mảnh, khu vực hoá kinh tế diễn ra nhanh và mạnh hơn. Khi khu vực hoá sản xuất tác động đến chuỗi cung ứng, sẽ kéo theo các thay đổi về chính sách của chính phủ ủng hộ việc gia công, chế biến các loại hàng hoá chiến lược tại khu vực thay vì thuê ở các nơi khác.
Hiện nay khu vực hóa thay vì toàn cầu hóa sản xuất chưa thâm nhập vào mạng lưới sản xuất của Mỹ và châu Âu, mặc dù toàn cầu hóa đang phải đối mặt với bất ổn và xáo trộn chính trị trong những năm qua.
Xu hướng phân mảnh của kinh tế thế giới là trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Thế giới năm 2022 vừa diễn ra tại Davod, Thuỵ Sỹ (Diễn đàn Davod). Chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia đã thảo luận xu hướng phân mảnh - nghĩa là chỉ hợp tác với các quốc gia ở gần, thân thiện với nhau sẽ có thuận lợi và bất cập gì, từ đó định hình chiến lược phát triển cho riêng mình. Xu hướng này sẽ gây tổn hại cho các quốc gia đang hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu.
Cùng với đó, một chủ đề mới - địa kinh tế cũng được thảo luận nhiều tại Diễn đàn Davod vì thực tế hiện nay việc hợp tác kinh tế đang lệ thuộc rất nhiều vào vị trí địa lý của các đối tác. Nếu gần nhau về địa lý sẽ tránh được rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
Quá trình toàn cầu hóa cũng chuyển mạnh sang ưu tiên hợp tác giữa các quốc gia thân thiện với nhau nhằm tránh những yếu tố chính trị tác động đến kinh doanh. Chẳng hạn, hiện nay Mỹ đang hợp tác với Úc để sản xuất đất hiếm, tất nhiên chi phí cao hơn, nhưng rủi ro về yếu tố chính trị thấp hơn khi hợp tác với Trung Quốc.
Kinh tế trưởng của IMF cho rằng thế giới sẽ phân chia thành nhiều khối lớn, không giao thương nhiều với nhau và có các tiêu chuẩn khác nhau, điều này sẽ là thảm hoạ cho kinh tế toàn cầu.
IMF cảnh báo việc kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn về thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ, dự trữ khác nhau sẽ gây ra nhiều biến động, khiến kinh tế toàn cầu bị tổn thất lớn về mặt hiệu quả trong dài hạn.
Thứ ba: Trung Quốc vẫn là công xưởng sản xuất của kinh tế toàn cầu.
Bố trí lại mạng lưới sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến thị trường mới nổi là chiến lược lâu dài, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Nguồn lợi đem lại từ việc chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc luôn được cân đong đo đếm với những thuận lợi từ nền tảng sản xuất lớn tại Trung Quốc.
Hiện nay Trung Quốc vẫn có năng lực cạnh tranh vượt trội về thị trường, hiệu quả theo quy mô, kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung lao động có kỹ năng so với các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù nhiều nhà đầu tư mong muốn đa dạng mạng lưới sản xuất và phân phối tại các nước Đông Nam Á, nhưng có rất ít giải pháp để thực hiện vì năng lực hạn chế của các quốc gia này.
Các nhà đầu tư luôn phân tích, đánh giá rất thận trọng trong thay đổi cơ hội tăng trưởng chiến lược khi dịch chuyển cơ sở sản xuất đến các nền kinh tế mới nổi khác.
Đặc biệt các nhà đầu tư luôn cân nhắc, so sánh các yếu tố về năng lực và chi phí đầu vào như chi phí gia công, lao động, vận tải ở các nước khác so với Trung Quốc trước khi đưa ra kế hoạch dịch chuyển đầu tư.
Thứ tư: Gia tăng toàn cầu hóa dịch vụ.
Các dịch vụ như công nghệ thông tin, dịch vụ kinh doanh và tài chính, nghiên cứu và phát triển.. đang trở thành dịch vụ toàn cầu, tạo cơ hội tăng trưởng mới, gia tăng cạnh tranh toàn cầu đối với dịch vụ kinh doanh và tài chính, dịch vụ tiêu dùng mới như dịch vụ tư vấn y tế từ xa, chuẩn đoán hình ảnh. Khi các loại dịch vụ này phát triển sẽ kéo theo một loạt các dịch vụ khác, điều đó đòi hỏi các nhà quản lý phải có cách tiếp cận mới để hạch toán và quản lý hoạt động xuất khẩu dịch vụ toàn cầu.
Cho đến nay, chưa rõ thị trường nào sẽ trở thành "công xưởng toàn cầu" về dịch vụ. Hiện nay, Mỹ đang đi đầu trong xuất khẩu dịch vụ, điển hình là dịch vụ kinh doanh và tài chính. Tuy vậy, các thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Ailen đang phát triển rất nhanh loại hình dịch vụ này và thách thức vị trí hàng đầu của Mỹ.
Khi các loại dịch vụ toàn cầu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển đội ngũ lao động kỹ năng cao tại thị trường mới nổi, cạnh tranh với lao động cùng kỹ năng tại thị trường phát triển, làm cho giá dịch vụ toàn cầu sẽ giảm. Khi đó các công ty mong muốn chuyển hoạt động sản xuất và gia công dịch vụ tới các thị trường mới nổi, nơi có nhiều lao động trẻ có kỹ năng cạnh tranh với đội ngũ lao động có cùng trình độ tại các nền kinh tế phát triển với dân số già.
Trong thập kỷ tới, cạnh tranh lao động kỹ năng cao giữa thị trường mới nổi với thị trường phát triển sẽ mở ra cơ hội mới trong sử dụng nguồn lao động tài năng toàn cầu. Tuy vậy cánh cửa này sẽ dần đóng lại khi tiền lương tại các nền kinh tế mới nổi tăng lên.
Những hạn chế về vấn đề nhân khẩu học, cùng với mức lương thế giới gia tăng sẽ thúc đẩy quá trình tự động hoá, máy móc và người máy thay thế con người.
Thứ năm: Phát triển chuỗi cung ứng khu vực sẽ gia tăng lạm phát trong thập niên tới.
Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong thập niên tới. Hệ luỵ của đứt gãy chuỗi cung ứng phản ánh qua giá sản xuất tăng nhanh và cao trong năm 2021, gây ra lạm phát cao, vượt mục tiêu 2% tại khu vực châu Âu, Mỹ, Vương quốc Anh.
Thị trường mới nổi như Brazil, Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina cũng có lạm phát cao trong năm 2021.
Gia tăng chi phí năng lượng, giá vận chuyển hàng hóa và rủi ro vận chuyển là các yếu tố làm chi phí sản xuất tăng cao. Áp lực tăng giá còn dai dẳng nếu phần lớn lao động gia công giá rẻ bị thay thế bằng lao động bản địa với mức lương cao. Cộng đồng doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược kinh doanh trong bối cảnh lạm phát cao, dẫn tới chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng, khi người dân chỉ tập trung vào những thứ thật cần thiết cho cuộc sống. Các doanh nghiệp cần có quỹ dự phòng xử lý rủi ro lạm phát và gia tăng chi phí vốn khi chi phí sản xuất tăng do giá nguyên, nhiên vật liệu và tiền lương tăng, đồng thời ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát cao.
XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU
Tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí để tối ưu hoá lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ xung đột chính trị và chiến tranh thương mại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ quốc gia này sang quốc gia khác là xu hướng khách quan đã và đang diễn ra.
Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển theo 3 hướng, đó là:
Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các nước trong cùng khu vực địa lý để giảm phụ thuộc hoặc tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại hoặc các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế.
Hoạt động sản xuất giản đơn, không đòi hỏi công nghệ cao như gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp thường được dịch chuyển ra nhiều nước nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Các ngành, lĩnh vực đang có nhiều dịch chuyển theo hướng này bao gồm: dệt may, sản xuất linh kiện, phụ tùng đơn giản;
Thứ hai, dịch chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi thực hiện đầu tư, thường gắn với hoạt động sản xuất có công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chiến lược có giá trị gia tăng cao, liên quan tới bí mật công nghệ và an ninh quốc gia.
Hướng dịch chuyển này đưa đến việc doanh nghiệp di chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất về chính quốc, diễn ra đối với các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu;
Thứ ba, tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng qua việc đa dạng hoá nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp nhằm phân tán rủi ro, như đặt hàng mua nguyên vật liệu, linh kiện từ nhiều nhà cung ứng tại các nước khác nhau.
Trong thời gian tới, cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động, như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico.
Để đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bên cạnh ổn định chính trị và ổn định vĩ mô, các quốc gia cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, dễ đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty đa quốc gia khi dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác để tránh rủi ro từ chiến trang thương mại.
THAY ĐỔI MÔ HÌNH TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ, CHỦ NGHĨA BẢO HỘ MẬU DỊCH QUAY TRỞ LẠI
Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy vậy, do bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các khu vực; giữa các quốc gia; giữa các tầng lớp xã hội trong mỗi quốc gia dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Một số quốc gia, bằng những chính sách kinh tế ưu đãi đang kêu gọi và thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở về nhằm gia tăng lợi ích quốc gia.
Mỹ ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Mỹ, như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21% cho các doanh nghiệp Mỹ, đưa ra nhiều tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ.
Các nước thuộc cộng đồng chung châu Âu thúc đẩy "kinh tế tự chủ chiến lược", kiểm soát đầu tư ra nước ngoài. Đức và Italia quy định chặt chẽ hơn đối với đầu tư ra nước ngoài trong các ngành chiến lược. Pháp triển khai chiến lược "sản xuất tại Pháp" nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước đối với các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn địa chính trị đưa đến xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn; châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang tìm kế hoạch xây dựng quyền tự chủ kinh tế của chính mình, không còn ủng hộ vô điều kiện toàn cầu hoá và tự do thương mại như trước.
Công nghệ xe hơi là mô hình sản xuất dựa trên nền tảng toàn cầu hoá kinh tế, quy trình chế tạo được chẻ nhỏ, cái gì làm được rẻ nhất ở nước nào thì thuê gia công ở nước đó, với điều kiện phải giao hàng đúng hạn. Chẳng hạn hãng Renault của Pháp thuê tới 17 ngàn nhà cung cấp trên toàn thế giới chế tạo các linh kiện khác nhau. Khi đại dịch bùng nổ, chíp sản xuất tại châu Á không thể đến được các nhà máy lắp ráp ở châu Âu. Nếu chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, dù chỉ 1 tuần thì mô hình sản xuất toàn cầu hoá kinh tế cũng rối loạn.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp đến sự sụp đổ giao dịch thương mại của khu vực phía đông tiếp giáp với Liên minh châu Âu, tác động gián tiếp đến nhu cầu hàng hoá thế giới, làm giá hàng hoá tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn. Châu Âu, Mỹ và Nga cấm vận lẫn nhau càng làm giao dịch thương mại thêm phức tạp; trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại tạo thêm các hàng rào vô hình ngăn cách thị trường.
Trước biến động khó lường từ những biến cố, chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế lẫn nhau, các nhà quản lý và tập đoàn kinh tế đa quốc gia đang bàn thảo việc sửa đổi mô hình toàn cầu hoá sao cho phù hợp với tình hình mới.
Những bất cập của chuỗi cung ứng xuất hiện trong dịch COVID-19 và gia tăng căng thẳng địa chính trị khiến toàn cầu hóa đứng trước nguy cơ rối loạn, đòi hỏi phải điều chỉnh một cách sâu rộng trong bối cảnh hiện nay. Các nước giàu quan tâm đến chủ quyền kinh tế hơn là toàn cầu hoá. Vào tháng 4/2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi định hình lại toàn cầu mà theo bà đánh giá là đang bị đe dọa.
Trong thời gian qua, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại đã gây ra xung đột thương mại giữa các nền kinh tế, cản trở lưu thông hàng hóa, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bảo hộ mậu dịch, với sự xuất hiện nhiều công cụ mới và được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Bảo hộ mậu dịch mang lại lợi ích nhất thời cho các nhà sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển một số ngành nghề; cân bằng cán cân thanh toán, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước; tăng việc làm mới và phân phối lại thu nhập; bảo đảm an ninh quốc gia.
Tuy vậy, bảo hộ mậu dịch tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đầu cơ trên giá bán hàng ở mức có lợi nhất, làm nhiễu loạn thị trường; giảm động lực áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bảo hộ mậu dịch tác động tiêu cực tới quá trình hiện đại hoá kinh tế, suy giảm tăng trưởng. Xu hướng bảo hộ mậu dịch trong thời gian tới sẽ diễn ra cùng với sự chia rẽ nội bộ khu vực và mỗi nước khá sâu sắc về vấn đề toàn cầu hóa và thương mại quốc tế.
Chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội và thuận lợi luôn đan xen với thách thức và khó khăn.
Để bắt kịp với sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực.
Đồng thời Việt Nam cần xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.
TS. Nguyễn Bích Lâm
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xu-huong-tai-dinh-hinh-chuoi-cung-ung-toan-cau-va-nhung-tac-dong-den-kinh-te-viet-nam-119220705134858721.htm