Nhận diện suy thoái: Lười học tập lý luận chính trị 

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong đó, lười học tập lý luận chính trị là một trong những nội dung của một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.

Đây không phải lần đầu, Đảng ta đề cập đến vấn đề này mà còn là một trong những vấn đề Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đảng ta đã chỉ rõ: “Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn… Kết quả học tập lý luận chính trị là một trong những tiêu chuẩn để xem xét đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên và tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.”(1) ; đồng thời, yêu cầu “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới, cũng là biểu hiện của sự suy thoái”. (2)

          Có nhiều nguyên do để biện minh cho bệnh lười học lý luận chính trị nhưng tựu trung đó là: cho rằng cán bộ chỉ cần giỏi chuyên môn, còn lý luận chính trị nếu có điều kiện thì học thêm, còn không thì chẳng sao; đối với những người đã “qua” các lớp lý luận chính trị thì coi như thế là đủ không cần phải thường xuyên nghiên cứu. Môn lý luận chính trị vốn khô khan, trong khi trên mạng xã hội có quá nhiều thông tin hấp dẫn chính vì thế một bộ phận trong đó đa số giới trẻ sẽ kém phần hứng thú học, “đọc” lý luận. Rồi do tuổi tác, do mưu sinh chi phối đã làm cho việc học tập nghiên cứu lý luận không được toàn tâm và niềm say mê hứng thú cũng vì thế mà giảm sút. Hậu quả của tình trạng trên sẽ “…không trông xa, thấy rộng, trong lúc đầu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả “mù tịch chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng” (1)

          Để việc học tập lý luận chính trị trở thành việc làm thường xuyên, tự thân là yếu tố quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng thiết nghĩ:

- Cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

   - Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong việc học tập lý luận chính trị; coi đó là việc làm tự thân như “cơm ăn, nước uống hàng ngày” từ đó giành thời gian, tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi để cập nhật thông tin, thường xuyên nghiên cứu học tập, gắn việc học tập lý luận với thực tiễn công việc hàng ngày “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(2).

                                                                                                                                                           NGUYỄN TRÍ ÁNH

                                                                                                                                            (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị)

______________________________

          (1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tâp 8, trang 280.

          (2) Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 149,

 

 

 

 

 

1791 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1100
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1100
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150625