Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 6/4 thông báo nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Barakah của nước này đã bắt đầu các hoạt động thương mại.
Trên trang Twitter, Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE, Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum cho biết: "Hôm nay, UAE đã bước vào giai đoạn quan trọng. Những Megawatt (MW) điện đầu tiên từ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới Arab đã kết nối với mạng lưới điện quốc gia."
Về phần mình, Hoàng Thái tử Abu Dhabi, Sheikh Mohammed bin Zayed Al-Nahyan đã ca ngợi thành quả này trên mạng Twitter: "Sự khởi đầu các hoạt động thương mại tại nhà máy điện hạt nhân Barakah là dấu mốc lịch sử đối với UAE, giúp tăng đáng kể tính bền vững trong lĩnh vực điện năng của chúng ta."
[UAE vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong thế giới Arab]
UAE, gồm 7 tiểu vương, là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Nước này vốn lâu nay dựa trên "vàng đen" nhưng đã bắt đầu chi hàng tỷ USD hướng tới mục tiêu sản xuất đủ năng lượng tái tạo phục vụ 50% nhu cầu trong nước đến năm 2050.
Nhà máy trên đã bắt đầu sản xuất điện từ tháng 8/2020, khi nhà chức trách nước này cho vận hành lò phản ứng đầu tiên.
Dự kiến, khi được vận hành đầy đủ, 4 tổ máy tại nhà máy điện Barakah sẽ phát 5.600 MW điện, đáp ứng 25% nhu cầu điện của UAE.
Barakah nằm trên bờ biển phía Tây của tiểu vương Abu Dhabi, là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong thế giới Arab, do Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPC) xây dựng với chi phí khoảng 24,4 tỷ USD.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng có kế hoạch xây dựng 16 lò phản ứng hạt nhân để phát điện, song dự án vẫn chưa thành hiện thực./.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)