Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), 278 triệu người tại châu Phi đã đối mặt với nạn đói trong năm 2021 - một con số kỷ lục.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt 60% chỉ trong năm ngoái tại khu vực Đông Phi và tăng gần 40% ở Tây Phi.
Các nguyên nhân khiến "Lục địa Đen" rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có được chỉ ra gồm biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ nần sau đại dịch COVID-19, giá cả leo thang và các cuộc xung đột.
Liên tiếp trong 4 năm qua, khu vực Đông Phi đã không có mùa mưa và các nước phải trải qua nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.
Các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 3% lượng phát thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới.
Theo chỉ số thích ứng toàn cầu Notre Dame đo lường độ tổn thương của các quốc gia, trong số 20 quốc gia được xếp hạng là dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, thì có tới 16 nước là ở châu Phi.
WFP cho biết khoảng 22 triệu người trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và dự kiến sẽ lên đến 26 triệu người vào tháng 2/2023 nếu không có mưa.
Thiếu mưa đã khiến mùa màng thất bát, gây thiệt hại nặng cho đàn gia súc gia cầm. Trong khi đó, ở phía bên kia của lục địa, các vùng ở Tây Phi đang hứng chịu lũ lụt sau trận mưa lớn nhất trong 30 năm.
[Chìa khóa để ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu]
Theo WFP, đến giữa tháng 10 vừa qua, 5 triệu người và 1 triệu ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng lũ lụt.
Từ lâu, xung đột đã là nguyên nhân dẫn đến nạn đói tại châu Phi. Xung đột buộc người dân phải đi sơ tán, ảnh hưởng tới kế sinh nhai, hoạt động nông nghiệp và các nguồn lương thực cũng như gây nguy hiểm cho các hoạt động nhân đạo.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, số người phải rời bỏ nhà cửa ở châu Phi đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua lên mức kỷ lục 36 triệu người vào năm 2022, chiếm gần một nửa số người phải di dời trên thế giới. Phần lớn trong số này là đi dời nội địa do cuộc xung đột tại nước họ.
Theo Dự án Dữ liệu vị trí xung đột vũ trang (ACLED), một tổ chức giám sát khủng hoảng, các cuộc xung đột đang gia tăng trên khắp "Lục địa Đen."
Nếu như vào năm 2016 đã xảy ra 3.682 cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang ở châu Phi thì vào năm 2021, con số này lên tới 7.418 cuộc.
Ngoài ra, cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi và làm xao nhãng hoạt động của các tổ chức nhân đạo trong nửa đầu năm nay.
Khi cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn vào đầu năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Phi đã thành lập một quỹ sản xuất lương thực khẩn cấp trị giá 1,5 tỷ USD nhằm giúp nông dân châu Phi sản xuất 38 triệu tấn lúa mì, ngô, gạo và đậu tương.
Tuy nhiên, nhu cầu trên khắp châu Phi đã tăng 13% chỉ riêng trong năm 2021 trong khi tổng kinh phí viện trợ trong năm đó tăng 12%, chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng gây khủng hoảng nguồn cung phân bón khiến sản lượng ngũ cốc ở Tây Phi có thể giảm 20% theo ước tính của WFP.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch COVID-19 khiến châu Phi phải đối mặt với những "cơn gió ngược" kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Sau nhiều năm vay mượn, các quốc gia ở châu Phi đang chật vật để trả nợ.
Theo IMF, 19 trong số 35 nước có thu nhập thấp tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính phủ các nước này không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình và do vậy cần phải cơ cấu lại nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ.
Trong khi đó, các chính phủ châu Phi chưa nỗ lực hết sức để ngăn chặn khủng hoảng lương thực tái diễn.
Phân tích của tổ chức từ thiện Oxfarm (Anh) đối với 39 quốc gia châu Phi cho thấy chi tiêu ngân sách dành cho nông nghiệp của các nước này đã giảm trong giai đoạn 2019-2021.
Do vậy, khả năng tự cung tự cấp các mặt hàng lương thực chủ chốt của châu Phi ngày càng giảm. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu các nước châu Phi không hành động nhanh chóng thì hóa đơn nhập khẩu lương thực ở mức 43 tỷ USD năm 2019 có thể lên tới 110 tỷ USD vào năm 2025./.
(TTXVN/Vietnam+)