Nguy cơ tiếp tục xảy ra sóng thần ở Indonesia 

(ĐCSVN) – Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ về đợt sóng thần mới vẫn có thể xảy ra tại khu vực eo biển Sunda của Indonesia. Núi lửa Anak Krakatoa vẫn đang trong quá trình thức giấc và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển.
Nguy cơ tiếp tục xảy ra sóng thần ở Indonesia

Số liệu cập nhật ngày 24/12 cho thấy, số người thiệt mạng vì thảm họa sóng thần ở Indonesia đã lên tới 281 người, ngoài ra còn 1.016 người bị thương và 57 người mất tích.

Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan thảm họa Indonesia, số thương vong được dự báo tăng lên bởi không phải tất cả các nạn nhân đều được sơ tán thành công, không phải tất cả các trung tâm tế đều có báo cáo về số nạn nhân và không phải địa điểm nào cũng có số liệu thống kê đầy đủ.

Ông Nugroho cho biết, tất cả các trường hợp thương vong đều là công dân Indonesia và không có công dân nước ngoài. Các thiệt hại về người và của trải khắp 4 huyện bị ảnh hưởng, bao gồm Pandeglang, Serang, South Lampung và Tanggamus.

Những máy móc hạng nặng đã được huy động để dọn dẹp các khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, lực lượng quân đội và cảnh sát tiếp tục nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích trong các đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ cho biết, công việc của họ có thể sẽ kéo dài trong một tuần.

Ngoài thiệt hại về người, hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy khi sóng thần tấn công khu vực eo biển Sunda, phía nam của đảo Sumatra và mũi phía tây của đảo Java vào khoảng 9 giờ 30 tối  ngày 22/12. Sóng thần xảy ra sau 30 phút ngọn núi lửa – được biết đến với tên gọi Anak Krakatoa (tạm dịch là “đứa con của Krakatoa”)  bất ngờ phun trào. Sở dĩ có cái tên này là do núi lửa này hình thành 1928 trong miệng ngọn núi lửa Krakatoa.

Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.

Hình ảnh trong video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, người dân hoảng loạn cầm đèn pin chạy đến những khu đất cao hơn.

Giới chức Indonesia ban đầu cho rằng những con sóng không phải là sóng thần, mà chỉ là đợt thủy triều dâng cao, đồng thời đề nghị người dân không nên hoảng sợ.

Tuy nhiên, sau đó, người phát ngôn Nugroho đã gửi lời xin lỗi đến người dân và cho biết do không có động đất nên rất khó để xác định chắc chắn nguyên nhân của vụ việc từ sớm.

Trong khi đó, theo chuyên gia Richard Teeuw, Đại học Portsmouth (Anh), nguy cơ về các thảm họa sóng thần mới tại khu vực eo biển Sunda vẫn ở mức cao khi núi lửa Anak Krakatoa vẫn đang trong quá trình thức giấc và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển.

Thảm họa sóng thần tối 22/12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua và là đợt sóng thần thứ 3 tấn công nước này trong 6 tháng qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng.

Một số hình ảnh về thảm họa sóng thần ở khu vực eo biển Sunda, Indonesia ngày 22/12. Nguồn ảnh: AFP, The Jakatar Post:

Kiều Giang (theo CNA, The Jakatar Post, The Straits Times)

653 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1033
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1033
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126841