(Chinhphu.vn) - Cuộc chiến chống khủng bố của cộng đồng quốc tế ngày càng đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng khi mà các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tìm mọi cách để gây sự bất an cho nhân loại.
Những trung tâm của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan, Iraq, Syria… đã và đang bị tấn công ráo riết.
Trong khi nhiều cơ sở hạ tầng và binh lực của chúng bị tiêu diệt hoặc đánh tan thì những chiến binh vốn được khủng bố chiêu mộ từ các nơi trên thế giới tham gia tại các chiến trường nói trên đã trở về nước, trở thành những kẻ khủng bố nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tội ác.
Chính những phần tử này khi quay về nước, hoặc chúng đứng ra gây dựng, hình thành các tổ chức khủng bố mới, hoặc ra tay hành động khủng bố một mình theo kiểu “sói đơn độc”. Mối nguy hiểm đó đã được các nhà quan sát cảnh báo từ lâu, nhưng việc ngăn chặn chúng vẫn chưa có hiệu quả. Đây được xem như là một lỗ hỗng lớn trong công tác an ninh, tình báo của nhiều quốc gia, trong đó có việc phối hợp, kiểm soát và đấu tranh ngăn chặn các phần tử cực đoan từng có mặt tại các chiến trường Afghanistan, Iraq, Syria…
Trong thời gian gần đây, thủ phạm của những vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại các nước như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Philippines… hầu hết đều trở về từ Afghanistan, Iraq, Syria, Lybia, hoặc là những cơ sở của al-Qaeda và IS…
Ngày 11/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, chính thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh cho các tay súng khủng bố bao vây thành phố Marawi trong suốt 3 tuần qua, gây nên cuộc xung đột vũ trang làm hàng chục binh lính của Chính phủ Philippines và thường dân thiệt mạng.
Phóng viên TTXVN tại Sydney (Australia) dẫn bài viết trên mạng Thayer Consultancy cảnh báo về sự gia tăng liên kết giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Malaysia và Indonesia có thể dẫn đến hình thành cái gọi là “Mặt trận Hồi giáo thống nhất” ở Đông Nam Á. Theo đó, các tay súng Hồi giáo tham chiến tại Afghanistan trở về quê nhà sau khi được al-Qaeda huấn luyện đã “thai nghén” một phong trào liên Đông Nam Á.
Còn mạng lưới Jemmah Islamiyah (JI) cũng đang tìm cách hợp nhất người Hồi giáo ở Malaysia, Singapore, miền Nam Philippines và thậm chí cả ở Australia để trở thành lực lượng đối trọng với chính quyền trong khu vực. Sự nổi lên của IS đã thu hút các tay súng từ Đông Nam Á tới tham chiến ở Syria, Iraq và nay quay trở lại để gây nên sự bất ổn…
Mối lo ngại về một làn sóng tấn công khủng bố sẽ xuất hiện khi một đoạn tin nhắn bằng âm thanh được cho là của IS phát đi ở ứng dụng nhắn tin Telegram ngày 12/6 kêu gọi những kẻ đi theo tổ chức khủng bố này tiến hành các vụ tấn công ở Mỹ, châu Âu, Nga, Australia, Iraq, Syria, Iran và Philippines trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Đoạn tin này được cho là của người phát ngôn chính thức của IS, tên Abi al-Hassan al-Muhajer.
Cho dù tính xác thực của thông tin đang được các cơ quan tình báo các nước kiểm chứng, nhưng trên thực tế đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Vì trên thực tế các phần tử của al-Qaeda và IS cũng đang có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, chúng có thể hành động theo phương thức “sói đơn độc” hay tiến hành có tổ chức như ở Philippines là một ví dụ.
Rõ ràng đây là một thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.
Tuyết Minh