Ngày 3/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 05 dự án luật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nghị nhằm thảo luận, góp ý một số vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau của 05 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật Quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Đây là những dự án luật quan trọng đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và được các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc ban hành các luật này là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp làm cơ sở cho đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phòng ngừa có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta. Đồng thời nhằm tạo cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, bảo đảm mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh một cách bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật, bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, sử dụng tài sản công...
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. (Ảnh: Bảo Yến)
Hai phương án
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đề nghị không sửa đổi khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp (UBTP), Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của BLHS năm 2015, đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Việc sớm đưa các em vào vòng tố tụng không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt cho xã hội.
Do còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến ĐBQH về 02 phương án như sau:
Phương án 1: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.
Phương án 2: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Cần có chế tài mang tính răn đe
Đồng tình với phương án 2, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm: “Tôi cảm giác chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa xử lý hình sự và giảm nhẹ hình phạt”.
Theo đại biểu, lý luận về việc không xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là đi ngược lại với chính nguyên tắc áp dụng Bộ luật Hình sự được quy định tại Điều 91 của chính bộ luật này, đó là việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm... Trên cơ sở đó đề nghị: “Có thể giảm nhẹ hình phạt, chứ không thể không xử lý. Còn nếu chỉ xử lý ở cấp độ ở 2 tầng trên, như thế sẽ dung túng cho các em, trái cả về nguyên lý, lý luận và thực tiễn”, ĐB Nhưỡng nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích, từ tổng kết phạm tội của Bộ Công an, thực tiễn phòng, chống tội phạm, trẻ em chủ yếu phạm tội ở tội phạm nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, sát phạt nhau….
“Vừa qua, các cơ quan báo chí thông tin về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí, có việc ông nội, bố đẻ xâm phạm tình dục đối với con đẻ, cháu ruột của mình.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, đây là điều trái thuần phong mỹ tục, đây là hiện tượng loạn luân không thể chấp nhận được.
“Tôi cho rằng, cần có biện pháp mạnh, gần đây đã có ý kiến đưa vấn đề “thiến hóa học” vào, đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì nên nghiên cứu để thực hiện”, ĐB Nhưỡng đề nghị.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu thêm 3 tội này; vì hiện nay tội phạm trẻ hóa, tính chất phức tạp, phi nhân tính, nên phải có chế tài mang tính răn đe.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với lý giải rằng tuổi này nhận thức chưa đến, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng tình trạng hiếp dâm vừa qua nổi lên thì không thể là trẻ em bình thường nữa mà trẻ em cá biệt, phải xử lý nghiêm.
Đối với lập luận vì những lợi ích lớn nhất của trẻ em, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: “Nếu xử lý nghiêm, có môi trường tốt thì pháp luật nghiêm, tạo môi trường tốt thì trẻ em được hưởng lợi ích tốt nhất”.
Tuy nhiên, ĐB Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất tình trạng bạo lực học đường mà chúng ta chưa ngăn chặn được, làm nhức nhối dư luận không hẳn do các em cố ý mà có nhiều nguyên nhân: công tác quản lý mạng, giáo dục ở nhà trường, gia đình…Nếu chúng ta hình sự hóa hết thì có khả thi hay không?.
Mặt khác, khi xem xét các tội ít nghiêm trọng trong đó có tội hiếp dâm, không thể loại trừ các trường hợp các em nhận thức chưa đầy đủ, các em ở vùng sâu vùng xa đồng bào dân tộc việc tảo hôn đang là hủ tục mà các em vì quá non nớt chưa nhận thức được đầy đủ nên trong độ tuổi từ 14-dưới 16 cần phải xem xét.
“Quan điểm của Ủy ban chúng tôi đề nghị giữ nguyên như khoản 2, Điều 12 BLHS 2009 và không chi tiết ra nữa thì sẽ phù hợp hơn”, ĐB Minh nói.
Còn nếu chúng ta chi tiết thì phải theo phương án 1. Theo ĐB Minh, không phải cứ đa số đại biểu có ý kiến đồng tình là chúng ta theo bởi khi đánh tráo khái niệm là chúng ta cứ phân biệt trẻ em với thanh niên mà hầu hết các nước trên thế giới đồng nhất khái niệm trẻ em và người chưa thành niên. Đây là khía cạnh cần xem xét.
ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quang Ngãi) cũng thống nhất chọn phương án 1 để bảo đảm chính sách nhân đạo nhất quán, cũng như phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên./.
Thu Hằng