Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Al-Thani cho rằng, cuộc tranh cãi kéo dài giữa Qatar và 4 nước Ả rập trong khu vực do Ả rập Xê út dẫn đầu đã làm “thay đổi” các mối quan hệ trong khu vực. Quan chức ngoại giao này nhấn mạnh: “Qatar luôn giữ vai trò là một trong số những nước sáng lập của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và chúng tôi vẫn đánh giá tổ chức này đóng một vai trò quan trọng to lớn đối với toàn bộ khu vực…Tổ chức này đã được xây dựng dựa trên niềm tin và một nền tảng an ninh chiến lược…Song thật đáng tiếc, những gì đã xảy ra gần đây trong cuộc khủng hoảng này đã khiến các nhân tố này mất đi và cần rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng lại lòng tin”.

Đề cập tới mối quan hệ căng thẳng giữa Qatar và một số nước vùng Vịnh, Ngoại trưởng Al-Thani, ngày 15/8 cho rằng, những động thái nhằm châm ngòi cho một cuộc xung đột trong khu vực là không cần thiết. “Một cuộc khủng hoảng tương tự là không cần thiết trong khu vực của chúng ta. Vốn dĩ chúng ta đã phải đương đầu với đủ vấn đề và các cuộc xung đột…Vùng Vịnh – vốn được xem là một khu vực ổn định nhất trong thế giới Ả rập đang trở nên bất ổn, vì một cuộc khủng hoảng không có cơ sở vững chắc” – ông Al-Thani nói.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Qatar cũng tỏ rõ sự lạc quan vào triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao trong khu vực khi cho rằng, những nỗ lực hòa giải do Kuwait dẫn đầu đang được tiếp tục. “Chúng tôi đã nhận được một bức thư từ Quốc vương Kuwait từ vài ngày trước. Và bức thư này là một nỗ lực tiếp nối…nhằm khích lệ các bên cùng tiến hành đàm phán” – ông Al-Thani cho biết. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar khẳng định, chính quyền Doha vẫn tiếp tục chờ đợi thông điệp từ các bên liên quan.

“Hãy cư xử hợp tác và đưa ra những bằng chứng mà các bạn có. Chúng tôi đã nói rõ với họ (nhóm các nước do Ả rập Xê út dẫn đầu) rằng, bất cứ tại đâu các bạn muốn, bất cứ bằng chứng nào các bạn có trong tay, hãy đặt tất cả lên bàn để giải quyết…Đã 72 ngày trôi qua kể từ khi các biện pháp (cấm vận) được áp đặt mà chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ tài liệu nào” – ông Al-Thani nói.

Những tuyên bố trên được Ngoại trưởng Qatar đưa ra trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng, những bất ổn ngoại giao trong khu vực, nếu không được giải quyết, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của GCC. Ông Andreas Krieg – một chuyên gia phân tích rủi ro chính trị tại trường Đại học King ở thủ đô London (Anh) cho rằng, GCC đang “chết dần từng ngày”. Ông Krieg khẳng định, Quốc vương Kuwait đang đặt niềm tin mạnh mẽ vào GCC và sẽ làm tất cả có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao này và cứu lấy GCC. “Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế thì GCC có thể sẽ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng này” – ông Krieg cảnh báo.

Bên cạnh đó, ông Krieg cũng tin tưởng rằng, với vị trí là nước có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 3 trên thế giới (sau Nga và Iran), thì nền kinh tế của Qatar vẫn “đủ mạnh” để trụ vững trong cuộc khủng hoảng tại GCC. “Xét về trung tới dài hạn, có lẽ người dân Qatar sẽ cảm thấy sự tác động. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại thì chúng tôi vẫn chưa cảm thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào…Qatar là một nước có năng lực phục hồi mạnh mẽ nhất ở khu vực Trung Đông, tính cho tới nay” – ông Krieg nhấn mạnh.

Được thành lập vào năm 1981, GCC là một liên minh kinh tế - chính trị gồm sự tham gia của các nước: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, những mối liên hệ ràng buộc trong tổ chức này đã có nguy cơ bị rạn nứt sau khi Ả rập Xê út, Bahrain, UAE và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar vào ngày 5/6 trước cáo buộc chính quyền Doha hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và tăng cường các mối quan hệ với Iran, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại vùng Vịnh trong nhiều năm trở lại đây. Căng thẳng đã bị đẩy lên một nấc thang mới sau khi một số nước do Ả rập Xê út dẫn đầu tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Doha, gồm cả việc cấm các máy bay của Qatar được quyền tiếp cận không phận của các nước này. Về phía chính quyền Doha đã bác bỏ các cáo buộc trên và tố ngược rằng một số nước trong khu vực đang vi phạm chủ quyền của Qatar.

Trong một diễn biến mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash, ngày 15/8 đã tiếp tục hướng sự chỉ trích về Qatar sau khi một quan chức của Qatar cáo buộc “một số nước đang thực hiện chiến dịch bôi nhọ” chính quyền Doha. Bên cạnh đó, ông Gargash cũng cho rằng, việc Doha phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài để giải quyết cuộc xung đột ở vùng Vịnh là một “thái độ không phù hợp” và chỉ khiến tình hình căng thẳng kéo dài./.

Thu Lan (Theo AFP, Aljazeera)