Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại Quốc hội Pháp, ông Le Drian cho biết: “Khi mọi thứ gần như dừng lại, giả thuyết một Brexit “không thỏa thuận” giữa 2 bên là “rất thực”.
Theo ông Le Drian, từ 15/10 đến 15/11, cả hai bên cần phải giải quyết những bất đồng còn tồn tại. “Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra”, Ngoại trưởng Le Drian cảnh báo.
Theo dự kiến, 27 lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 15/10 – thời hạn chót mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU.
Ngày 7/9 vừa qua, ông Boris Johnson cảnh báo sẽ rút khỏi đàm phán với EU nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Ông Johnson cam kết hướng đến thỏa thuận, nhưng cũng sẵn sàng rời khỏi đàm phán mà không cần thỏa thuận trong tay.
Tuy nhiên, EU chưa bao giờ công nhận tối hậu thư mà Thủ tướng Anh đưa ra, song trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier trước đó đã cảnh báo rằng nếu không có được một thỏa thuận trước khi kết thúc tháng 10 thì các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu (EP) khó thông qua về mặt thủ tục trong năm nay.
Trước đó, ngày 11/10, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Anh Alok Sharma kêu gọi các doanh nghiệp nước này chuẩn bị cho giai đoạn cuối của tiến trình chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới đây, bất chấp kết quả các cuộc đàm phán thương mại của nước này với Liên minh châu Âu (EU) như thế nào.
Hiện, Anh và EU thống nhất hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại tự do vào ngày 15/10 và thỏa thuận này có hiệu lực kể từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, cả hai bên đã trải qua nhiều cuộc đàm phán mà không đạt được tiến triển nào khi mỗi bên đều thể hiện sự cứng rắn và không nhượng bộ.
Ngày 10/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Johnson đã đặt hạn chót để hai bên cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit là vào ngày 15/10, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU. Nếu sau thời hạn này mà hai bên không đạt thỏa thuận, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, tức là giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Anh – EU bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán cho giai đoạn hậu Brexit kể từ tháng 3/2020 kể từ khi Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020 sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử vào năm 2016, đánh dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của quốc gia này. Tuy nhiên, Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của khối cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay./.
Hoài Hà (Theo AFP, globaltimes.cn)