Ngày 23/9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết Ngoại trưởng nước này, ông Heiko Maas đã tự cách ly sau khi một trong những nhân viên an ninh của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong một tuyên bố, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Bộ này đang làm việc với giới chức y tế công để xác định xem liệu có thêm người nào bị ảnh hưởng hay không cũng như tiến hành thêm các biện pháp cần thiết khác, đồng thời nhấn mạnh bất cứ ai có thể đã bị lây nhiễm sẽ được giới chức y tế nước này liên hệ.
Bà cũng cho biết kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu xác nhận Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có phản ứng âm tính với virus SARS-CoV-2.
[Đức thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19]
Hôm 21/9 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tới thủ đô Brussels của Bỉ để tham dự cuộc gặp với những người đồng cấp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya.
Trước đó hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tự cách ly ở nhà trong hai tuần sau khi tiếp xúc với một nữ bác sỹ có kết quả xét nghiêm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các xét nghiệm của Thủ tướng Merkel sau đó đều cho kết quả âm tính với loại virus này.
Bên cạnh đó, trước thực trạng số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng mạnh ở nhiều nước châu Âu, Chính phủ Đức ngày 23/9 đã cập nhật danh sách các khu vực rủi ro cao với dịch bệnh khi bổ sung thêm các khu vực của 11 nước Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, cho đến nay Đức đã xếp các khu vực của hơn một nửa số quốc gia thành viên EU vào danh sách này.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các khu vực vừa được đưa vào danh sách rủi ro gồm Hovedstaden (Đan Mạch); Brittany, Centre-Val de Loire và Normandy (Pháp); Dublin (Ireland); Lika-Senj (Croatia); Utrecht (Hà Lan); Vorarlberg (Áo); Lisbon (Bồ Đào Nha); Covasna (Romania); Primorsko-notranjska (Slovenia); Györ-Moson-Sopron (Hungary) và toàn bộ Cộng hòa Séc, ngoại trừ các vùng Ústecký và Moravskoslezský.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 18/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuần trước, nhiều khu vực của các nước trên cũng đã được đưa vào danh sách rủi ro cao và Đức cũng đã ra cảnh báo đi lại tới các vùng này, trong đó có thủ đô Vienna của Áo, Budapest của Hungary và Noord-Holland (Bắc) cùng Zuid-Holland (Nam) của Hà Lan.
Sau khi danh sách rủi ro được cập nhật, Bộ Ngoại giao Đức cũng sẽ ra cảnh báo đi lại tới các khu vực này. Theo đó, mọi người trở về từ các khu vực có nguy cơ phải tiến hành xét nghiệm 48 giờ trước hoặc sau khi nhập cảnh.
Cảnh báo đi lại không phải là lệnh cấm, song có tác dụng răn đe đáng kể nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 với các trường hợp trở về từ những vùng rủi ro, đặc biệt cảnh báo đi lại cho phép du khách có thể hủy đặt phòng miễn phí.
Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao Đức ra cảnh báo đi lại trên toàn thế giới là vào ngày 17/3. Đến giữa tháng 6, cảnh báo này đã được dỡ bỏ với trên 30 quốc gia châu Âu, song chỉ một vài tuần sau, cảnh báo đối với nhiều nước và khu vực được kích hoạt trở lại do số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Hiện Tây Ban Nha vẫn là nước thành viên EU duy nhất được công bố hoàn toàn là khu vực rủi ro. Việc phân loại để cập nhật danh sách rủi ro với COVID-19 được tiến hành khi số ca nhiễm mới vượt mốc 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày.
Mặc dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19 như ở nhiều nước châu Âu khác, song số ca nhiễm bệnh đang có dấu hiệu tăng trở lại đáng lo ngại trong những tuần gần đây.
Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức cho biết trong ngày 23/9, cả nước Đức ghi nhận gần 1.769 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số các ca nhiễm bệnh tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cho đến nay lên gần 276.000 trường hợp./.
Trong 24 giờ qua nước Đức đã ghi nhận thêm 20 người tử vong vì COVID-19. Đây là mức tăng mạnh nhất về số người chết được ghi nhận hàng ngày trong gần 3 tháng qua.
Theo nhà virus học nổi tiếng của Đức, tiến sỹ Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin, nước Đức chưa chuẩn bị đầy đủ cho giai đoạn sắp tới của đại dịch.
Theo ông, thành công trong khống chế dịch của Đức cho đến nay chỉ là Đức đã phản ứng sớm hơn các nước khác khoảng 4 tuần. Ông khẳng định đại dịch không phải là một hiện tượng khoa học, mà là một thảm họa tự nhiên, đồng thời kêu gọi cần thay đổi để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trong những tháng tới./.
Anh Đức-Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)