Nghị viện châu Âu chính thức thông qua chứng chỉ xanh kỹ thuật số 

Chứng chỉ gồm 3 nội dung là chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19 được phát hành tại 9 quốc gia châu Âu.
Nghị viện châu Âu chính thức thông qua chứng chỉ xanh kỹ thuật số

Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu, một tài liệu ở dạng giấy hoặc kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại khắp EU và khu vực Schengen từ mùa Hè này.

Ngày 9/6, EP cho biết tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg, việc áp dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số liên quan đến công dân châu Âu đã nhận được 546 phiếu ủng hộ, 93 phiếu chống và 51 phiếu trắng.

Các văn bản này phải được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua, trước khi có hiệu lực vào ngày 1/7.

Chứng chỉ gồm 3 nội dung là chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng chỉ này không làm lây lan dịch bệnh.

Có tên chính thức là "Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của Liên minh châu Âu" sau khi được gọi là "chứng chỉ xanh," văn bản này do một quốc gia thành viên cấp và phải được các quốc gia khác chấp nhận làm bằng chứng hợp lệ. Văn bản này được cấp miễn phí dưới dạng giấy hoặc điện tử.

Trên thực tế, đây là ba chứng chỉ khác nhau, có thể được tích hợp vào một văn bản cho cùng một người bao gồm chứng chỉ "tiêm chủng," chứng chỉ "xét nghiệm" hoặc chứng chỉ "bình phục."

Các dữ liệu thể hiện danh tính của người sở hữu, chi tiết vaccine được sử dụng (vaccine gì, bao nhiêu liều), loại xét nghiệm (PCR, kháng nguyên nhanh), kết quả và ngày thực hiện.

[COVID-19: Những điều cần biết về Chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu]

Theo các quy định, đây không phải là một giấy thông hành. Mục đích của chứng chỉ là làm bằng chứng về tiêm chủng hoặc sàng lọc được cấp ở các quốc gia thành viên và có thể tương tác và đồng nhất với nhau.

Người nhập cảnh có chứng chỉ này sẽ không phải trải qua thời gian cách ly hay xét nghiệm khi tới một quốc gia thành viên EU khác.

Đối với những người đã bình phục, trước mắt, việc công nhận chỉ có thể có hiệu lực từ ngày thứ 11 sau khi xét nghiệm dương tính đầu tiên bằng phương pháp PCR.

Sau này, tùy thuộc vào các bằng chứng khoa học, Ủy ban châu Âu sẽ bổ sung việc công nhận các xét nghiệm kháng thể hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong phạm vi của chứng chỉ "bình phục."

Cho đến nay, hơn 1 triệu người ở châu Âu đã nhận được “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU."

Chín quốc gia EU đã phát hành chứng nhận này, trong đó bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Đức, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Litva và Ba Lan./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

 

203 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 642
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 642
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87204529