Nghị viện châu Âu bất đồng về bỏ quyền sáng chế vaccine COVID-19 

(ĐCSVN) – Trong cuộc họp ngày 19/5, các thành viên Nghị viên châu Âu (MEPs) đã không đạt được thỏa thuận nào liên quan tới đề xuất tạm thời từ bỏ quyền sáng chế đối với vaccine COVID-19 – vốn được coi là một phần trong nỗ lực đẩy nhanh việc triển khai “chìa khóa” đẩy lùi dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Nghị viện châu Âu bất đồng về bỏ quyền sáng chế vaccine COVID-19

Theo tuyên bố do Nghị viện châu Âu đưa ra sau cuộc tranh luận cùng ngày thì một số MEPs đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) hỗ trợ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19, như một yếu tố cốt lõi trong việc đẩy nhanh quá trình triển khai ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải một số ý kiến phản đối với lý do, việc từ bỏ bằng sáng chế là một ý tưởng tốt nhưng sai lầm, sẽ không giúp đẩy nhanh việc cung cấp vaccine mà trái lại còn gây tổn hại tới những nỗ lực đổi mới. Những người phản đối cho rằng, EC nên khuyến nghị cấp phép tự nguyện, đi kèm theo việc chia sẻ công nghệ, bí quyết, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng số lượng các nhà máy sản xuất vaccine ở các khu vực khác.

Cũng trong cuộc họp, nhiều MEPs đã bày tỏ thái độ chỉ trích Mỹ và Anh vì tích trữ quá nhiều vaccine cần thiết, trong bối cảnh các nước nghèo hơn chỉ được tiếp cận ít hay thậm chí là không có được liều vaccine nào.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn thế giới, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) quyết định sẽ tiếp tục để mở chủ đề từ bỏ quyền sáng chế đối với vaccine trong các phiên thảo luận, song cũng nhấn mạnh thêm rằng “vẫn còn những ưu tiên khác”.

Trong một tuyên bố đưa ra vào đầu tháng này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng không nên bỏ qua những vấn đề cấp bách trọng tâm, đó là sản xuất vaccine càng sớm càng tốt và cách thức phân phối vaccine công bằng, bình đẳng.

Hiện EU đã xuất khẩu gần 1 nửa lượng vaccine sản xuất được sang các nước có nhu cầu. Dự kiến, tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng tới sẽ biểu quyết về một nghị quyết liên quan tới quyền sáng chế vaccine. Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào liên quan tới chủ đề này sẽ do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra.

Sự khác biệt giữa bằng sáng chế và giấy phép sản xuất vaccine

Quan điểm của các hãng dược phẩm là mạnh mẽ phản đối việc từ bỏ quyền sáng chế, mà thay vào đó, ủng hộ việc thiết lập một hệ thống cấp phép mà họ cho rằng sẽ được thực hiện trên quy mô có. Viện dẫn các ví dụ cho mô hình này, có thể kể tới thỏa thuận của AstraZeneca với nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh của Ấn Độ; Johnson & Johnson hợp tác với Aspen Pharmacare của Nam Phi để sản xuất vaccine.

Thỏa thuận cấp phép chủ yếu mang tính tự nguyện và liên quan tới việc nhà phát triển vaccine chia sẻ bằng sáng chế đi kèm công nghệ, bí quyết đầy đủ với nhà sản xuất. Nếu cần thiết, Chính phủ các nước có thể yêu cầu các nhà phát triển vaccine chia sẻ giấy phép của họ.

Mặt khác, việc từ bỏ bằng sáng chế buộc một nhà phát triển vaccine phải chia sẻ công thức chế tạo vaccine mà họ đang có. Việc WTO đồng ý tạm thời miễn trừ bằng sáng chế đối với vaccine đồng nghĩa với việc bất kỳ công ty nào muốn sản xuất vaccine COVID-19 sẽ được tự do làm việc đó mà không phải trả tiền bản quyền cho các nhà phát triển vaccine và không lo bị kiện do vi phạm bằng sáng chế.

Hiện hầu hết tất cả các loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng trên thế giới đều được cấp phép khẩn cấp, tức là sản xuất song song với thử nghiệm rồi tiêm luôn, chứ không theo quy trình thông thường là thử nghiệm, phê duyệt rồi mới sản xuất và tiêm. Đại dịch COVID-19 đang làm phát sinh một tình huống khẩn cấp cần tới sự thay đổi của các quy trình, từ sản xuất cho tới phân phối vaccine để thích ứng với tình hình thực tế. Điều quan trọng là sự thay đổi đó được thực hiện ra sao cho hiệu quả./.

 
Thu Lan (Theo DW, Xinhua)
146 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1105
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1105
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186537