Hối lộ bằng hình thức tặng quà còn rất phức tạp
Ngày 19/9, tiếp tục phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Trong đó, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo đó, một trong những hạn chế được cơ quan thẩm tra đề cập là về kê khai tài sản, thu nhập. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, trong năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%), kết quả xác minh phát hiện 03 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước (năm 2016 xác minh đối với 414 người, năm 2015 xác minh đối với 1.225 người). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan này ví dụ như việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Về việc tặng quà và nộp lại quà tặng, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ví dụ: “Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma …”. Bà Nga cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.
Hạn chế khác được nêu ra trong báo cáo thẩm tra là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Vẫn còn có nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do có sai phạm và xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Nghi ngờ “lợi ích nhóm”, “sân sau” là có căn cứ
Ủy ban Tư pháp tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN và cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng còn chưa nghiêm. Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ;“một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”. Việc công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn hạn chế. Đề án kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn chậm được xây dựng; việc theo dõi, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản còn gặp khó khăn, vướng mắc trong cả quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện nhưng chậm được rà soát, sửa đổi cho phù hợp. Hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp…
Đáng chú ý, Ủy ban Tư pháp nhận định: Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ. Cơ quan này cho rằng, trong thời gian tới, định hướng PCTN cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa đối với tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài. Có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Từ thực tế trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung: “Tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực”./.
Kim Thanh