Các vấn đề liên quan lĩnh vực kế hoạch - đầu tư
10h: Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng, đơn vị huyện Triệu Phong chất vấn: |
Ảnh: Lê Minh
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm triển khai chậm tiến độ một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay nước ngoài, ví dụ như dự án xây dựng các trạm y tế một số xã của huyện Hải Lăng do Italia tài trợ.
Đại biểu đề nghị cần nâng cao năng lực thẩm định dự án của đơn vị liên quan, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án có vốn ODA.
10h5: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung trả lời: |
Ảnh: Lê Minh
Việc triển khai các dự án nguồn vốn ODA và vốn nước ngoài chậm tiến độ là do ảnh hưởng COVID - 19 kéo dài, kinh phí GPMB khó khăn, các quy định trong giải ngân nguồn vốn...
Về phương án xử lý đối với dự án các trạm y tế một số xã của huyện Hải Lăng, hiện UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị trung ương cho phép dừng sử dụng vốn ODA, tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn để thi công hoàn thành các công trình.
10h15: Đại biểu Nguyễn Đính, đơn vị TP. Đông Hà kiến nghị: |
Công trình hai đầu cầu sông Hiếu do tỉnh làm chủ đầu tư đang dở dang, đề nghị có giải pháp đốc thúc dự án để tạo thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đồng thời đặt câu hỏi tại sao loại ra chỉ tiêu số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong Bộ chỉ tiêu đánh giá KT - XH năm 2023?
10h20: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung trả lời: |
Trong năm 2021 không triển khai dứt điểm công trình này nên nguồn vốn đọng lại năm 2022, nếu theo quy định chung là nguồn vốn này hòa vào ngân sách tỉnh. Các sở, ngành xin được chuyển nguồn sử dụng 22 tỉ trong kế hoạch năm 2022. Trong thời gian tới, chủ đầu tư sẽ triển khai thực hiện để giải ngân nguồn vốn này.
Về chỉ tiêu số doanh nghiệp đưa ra khỏi Bộ tiêu chí đánh giá KT - XH năm 2023 là để làm gọn, tập trung thực hiện các mục tiêu KT - XH của tỉnh nên chỉ đưa vào các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm để có sự đo lường toàn diện hơn.
10h30: Đại biểu Nguyễn Văn Lý, đơn vị huyện Vĩnh Linh kiến nghị: |
Ảnh: Lê Minh
Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, đến nay hầu như các dự án du lịch được phê duyệt chưa triển khai được, gây lãng phí về nguồn lực đất đai và ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân. Đề nghị ngành chức năng cần xem lại năng lực của chủ đầu tư các dự án, có giải pháp xử lý.
10h40: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung trả lời: |
Toàn tỉnh hiện có 452 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 54 dự án đã chấm dứt chủ trương đầu tư, 16 dự án đã ngừng hoạt động, 49 dự án chậm tiến độ, trong đó 25 dự án chậm tiến độ trên 12 tháng.
UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo xử lý đối với từng loại dự án tùy vào mức độ chậm tiến độ khác nhau.
Hiện nay có nhóm dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, một số dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng nên nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện.
Về năng lực nhà đầu tư thì ngành chức năng đã thẩm định năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện chậm do những nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác giám sát, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện.
10h50: Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trần Quang Trung trả lời: |
Ảnh: Lê Minh
Đối với dự án xây dựng, phát triển và kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp Đông Gio Linh của Công ty TNHH MTV Hoàng Khang mà các đại biểu chất vấn, ban đề xuất UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi quyền sử dụng đất. Đơn vị sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh tiến hành thu hồi dự án này.
Đối với một số dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm tiến độ thực hiện thuộc thẩm quyền quản lý của ban, hiện nay vướng mắc ở thủ tục đấu thầu áp giá mới được thuê đất, đơn vị đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến.
Chiều nay, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa VIII sẽ tiến hành phiên bế mạc.
Các vấn đề liên quan lĩnh vực tài nguyên - môi trường
8h15: Đại biểu Nguyễn Thiên Bình, đơn vị huyện Gio Linh chất vấn: |
Ảnh: Lê Minh
Hiện nay, hồ sơ đề nghị cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nhiều, trong khi việc giải quyết của cơ quan chức năng chậm. Đại biểu cho biết địa bàn 2 thị trấn thuộc huyện Gio Linh, tỉ lệ cấp đổi, cấp giấy CNQSD đất chỉ mới đạt 25-35%, các xã còn lại đã phê duyệt nhưng chưa thực hiện (như xã Gio Châu, Gio Quang, Gio Mai, Gio Việt, Gio Mỹ, Trung Giang). Vậy giải pháp tháo gỡ như thế nào?
Đề án đo đạc lần này trình HĐND tỉnh (giai đoạn 2023-2025) chỉ quy định nhiệm vụ đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, chỉnh lý hồ sơ và cấp giấy CNQSD đất cho nhiệm vụ mới, không quy định giải quyết hồ sơ tồn đọng của các dự án cũ và sử dụng 10% tiền sử dụng đất, thuê đất do cấp huyện quản lý.
Tuy nhiên theo Nghị quyết 111/2021/NQ- HĐND của HĐND tỉnh phải thực hiện 3 cấp, trong đó cấp tỉnh có quy định nguồn thu 10% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do cấp tỉnh quản lý phục cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp giấy CNQSD đất nhưng chưa thấy đề xuất để HĐND tỉnh quyết định lần này.
Trong lúc còn nhiều nhiệm vụ cấp tỉnh chưa được giải quyết như đo đạc, rà soát, bóc tách, chỉnh lý biến động để cấp mới, cấp đổi giấy CNQSD đất đối với thửa đất có nguồn gốc từ di tích, đất các tổ chức, đất tôn giáo, đất rừng phòng hộ, đất quy hoạch dự án khu định canh, định cư, đất xen canh của hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, đất hộ nghèo nằm ở các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp…. Như vậy tiền 10% tiền sử dụng đất cấp tỉnh theo cơ chế tại Nghị quyết 111 của HĐND tỉnh tương ứng kế hoạch trung hạn 330 tỉ đồng dùng làm việc gì?
8h40: Đại biểu Nguyễn Đính, đơn vị TP. Đông Hà kiến nghị: |
Ảnh: Lê Minh
Việc chậm cấp giấy CNQSD đất đã ảnh hưởng đến nhu cầu giao dịch vay vốn của người dân, cần có giấy chứng nhận cấp thêm tài sản trên đất để tăng vốn vay.
Đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai dự án đo đạc vẫn thiếu thận trọng, sự phối kết hợp với chính quyền địa phương và người dân để điều chỉnh thông tin đất đai chưa chặt chẽ. Mong muốn cần khắc phục những hạn chế này để thuận lợi cho người dân.
9h: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa giải trình: |
Ảnh: Lê Minh
Đối với dự án đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy CNQSD đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính từ năm 2022 trở về trước, đến nay ngành cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy CNQSD đất trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 93,41% tổng số diện tích cần cấp giấy. Đối với các trường hợp chưa cấp lần đầu thì đa số là các trường hợp có vướng mắc, có thể do tranh chấp đất đai, do vi phạm đất đai hoặc một số hộ chưa có nhu cầu cấp giấy. Sở dĩ còn nhiều trường hợp chưa được giải quyết, làm chậm là do việc cấp giấy đổi giấy CNQSD đất cho người dân có diện tích tăng thêm thì phải 2 thẩm quyền mới cấp được (huyện và sở), dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, cơ quan xác nhận, thẩm tra lúng túng.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở khi người dân có nhu cầu nhưng pháp luật không quy định hạn mức dẫn đến cơ quan thẩm định, quyết định còn nhiều lúng túng, không dám thực hiện. Nội dung thứ 2 liên quan đến sử dụng tiền 10% tiền sử dụng đất cấp tỉnh theo cơ chế tại nghị quyết của HĐND tỉnh, trước đây sở đã tổ chức kiểm tra nội dung này. Hầu như các huyện thu quỹ đất làm công tác này rất thấp. Theo nghị quyết 11 đã trình trong dự án tổng thể giai đoạn 2003 - 2005, không đưa vào nội dung các xã. Ở cấp tỉnh, nguồn 10% hỗ trợ ngân sách phục vụ cấp đất ở và đất sản xuất cho đồng bào, thực hiện đề án về địa giới hành chính, sắp tới sử dụng nguồn thu này cho các dự án liên quan quản lý đất đai.
Chủ tọa kỳ họp nhận định, hiện nay dự án còn nhiều khó khăn vướng mắc do nhiều nguyên nhân vì đây là công việc phức tạp, một phần do ảnh hưởng của lịch sử để lại. Cho đến thời điểm này việc đo đạc chỉnh lý cơ bản hoàn thành 80%, việc cấp đổi thấp.
Đề nghị đối với 6 dự án đã thực hiện chưa xong, UBND tỉnh cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát lại số lượng giấy CNQSD đất chưa cấp đổi và người dân chưa có nhu cầu cấp đổi. Cần nghiêm túc chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư trong việc chậm thực hiện dự án này.
9h15: Đại biểu Vũ Văn Phong, đơn vị huyện Vĩnh Linh đề nghị: |
Làm rõ tại sao UBND tỉnh vẫn cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường đối với dự án khai thác mỏ cát của Công ty Hưng Phát và dự án thực hiện trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín của Công ty Thái Duy tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh trong khi người dân không đồng tình?
9h20: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa giải trình: |
Liên quan đến tham vấn cộng đồng đối với các dự án để đánh giá tác động môi trường, đối với hai dự án này, người dân không đồng tình. Đánh giá tác động môi trường mới chỉ là một thủ tục của dự án. Việc gây ô nhiễm môi trường còn phụ thuộc quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như vận chuyển đất đi.
Huyện Vĩnh Linh phải có trách nhiệm quản lý nhà nước và có ý kiến để UBND tỉnh có cơ sở triển khai quyết định cấp phép hay không.
9h25: Đại biểu Nguyễn Thị Lượng, đơn vị huyện Đakrông chất vấn: |
Ảnh: Lê Minh
Đề nghị Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường làm rõ việc thời gian nào có thể bàn giao mặt bằng của dự án khai thác và chế biến quặng vàng gốc mỏ vàng Apeya (đã hết hạn khai thác vào ngày 30/6/2018) cho địa phương quản lý, bảo vệ môi trường, sinh thái và an toàn trật tự trong khu vực?
9h30: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa trả lời: |
Việc đóng cửa mỏ là do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, tỉnh có trách nhiệm phối hợp thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ. Vào ngày 2/12/2022, Cục Tài nguyên khoáng sản miền Trung mới ban hành văn bản để làm việc với tỉnh để làm việc về các nội dung này.
9h35: Đại biểu Trần Việt Dũng, đơn vị Triệu Phong đề nghị: |
Ảnh: Lê Minh
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết ngành sẽ có giải pháp gì để đánh giá tác động môi trường do việc khai thác cát sạn trên sông Thạch Hãn? Việc vận chuyển cát sạn bằng xe có trọng tải nặng làm hư hỏng đường giao thông gây trở ngại cho việc đi lại của người dân, giải pháp xử lý triệt để là như thế nào? Việc khai thác cát sạn đã gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quang khu vực. Đề nghị ngành Tài nguyên môi trường sớm giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên.
9h40: Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Trường Khoa trả lời: |
Ngành tài nguyên môi trường không tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác ở những khu vực xói lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Những nội dung khác mà đại biểu chất vấn, để giải quyết hiệu quả thì cần có sự phối hợp giữa các ngành và địa phương liên quan.
9h45: Liên quan đến vấn đề đại biểu Trần Việt Dũng chất vấn, đại biểu Hồ Xuân Hòe, đơn vị Hải Lăng cho biết: |
Ảnh: Lê Minh
Việc đánh giá tác động môi trường là đánh giá trên cơ sở thực tại và dự báo những nguy cơ khi triển khai dự án có tác động gì. Trong quá trình đánh giá đã lường trước được nguy cơ có thể xảy ra tuy nhiên quan trọng nhất là câu chuyện giữa báo cáo tác động môi trường và quá trình triển khai thực hiện của đơn vị được cấp phép, đơn vị có tuân thủ nghiêm túc hay không. Do đó cần tăng cường quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp để hạn chế tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông như hiện nay.
Thông tin về kỳ họp Báo Quảng Trị online sẽ tiếp tục cập nhật
Thanh Trúc