Từ ngày đầu thành lập đến năm 1948, công tác kiểm tra của Đảng do các cấp uỷ và các tổ chức đảng thực hiện. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) ra Quyết nghị số 29- QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, đây là cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Từ đó, ngày 16/10/1948 trở thành Ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng.
Qua các thời kỳ nối tiếp, cùng với sự phát triển của Đảng và công tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy kiểm tra các cấp (sau này là ủy ban kiểm tra các cấp) được thành lập; đội ngũ cán bộ ban kiểm tra từng bước được bổ sung, kiện toàn, phát triển. Từ nhiệm vụ, quyền hạn do Điều lệ Đảng quy định ban đầu, chủ yếu là phục vụ cấp ủy, theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, Điều lệ Đảng đã giao cho ủy ban kiểm tra các cấp nhiều nhiệm vụ quan trọng và cụ thể; tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho uỷ ban kiểm tra từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên; đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã giao thêm nhiệm vụ giám sát cho cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp.
Trong thực hiện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ cấp ủy giao, các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng luôn ý thức: Công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thường xuyên lấy đó làm mục tiêu để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Mặc dù có lúc, có nơi còn khó khăn về lực lượng, năng lực và điều kiện hoạt động nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và cấp ủy các cấp, ngành Kiểm tra Đảng không ngừng trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành công chung của cách mạng Việt Nam; giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với thành tích cống hiến, nhiều tập thể và cá nhân được ghi công, biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Đặc biệt, ngành Kiểm tra Đảng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng 14 chữ vàng: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương, tận tụy”.
Đảng bộ tỉnh Quảng Trị ngay sau khi thành lập (tháng 4/1930) đã ra nghị quyết có nội dung về công tác kiểm tra của Đảng. Qua các thời kỳ, các hội nghị của Tỉnh ủy đều phân công một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa phụ trách chỉ đạo phong trào cách mạng, vừa làm công tác kiểm tra. Tháng 6/1947, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Hà Xuân Mỹ phụ trách công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh và thành lập Tổ cán bộ kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Tỉnh ủy. Mặc dù lúc này chưa tổ chức thành Ban kiểm tra nhưng Tổ kiểm tra do đồng chí Hà Xuân Mỹ phụ trách đã tiến hành các cuộc kiểm tra ở các huyện trong tỉnh, giúp Tỉnh ủy xem xét tình hình đoàn kết nội bộ chuẩn bị và lãnh đạo kháng chiến. Đến năm 1949, Ban Kiểm tra Đảng Tỉnh ủy Quảng Trị được thành lập; đồng chí Lê Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban - là người Trưởng Ban Kiểm tra Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Trong giai đoạn từ năm 1949 đến tháng 6/1971, do điều kiện chiến tranh nên tổ chức, hoạt động của Ban Kiểm tra Tỉnh ủy có nhiều thay đổi, được chuyển về Khu ủy quản lý và chỉ đạo hoạt động. Giai đoạn này, cán bộ kiểm tra vừa bám trụ trong lòng dân tham gia kháng chiến, vừa bám cơ sở đảng để kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển chiến tranh nhân dân; nêu cao tinh thần chiến đấu, bám đất, bám dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù số lượng cán bộ kiểm tra ít nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, dũng cảm, không quản ngại gian khổ hy sinh, đấu tranh thẳng thắn với kẻ thù, không dung túng cho các phần tử cơ hội, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đồng chí trong Ban Kiểm tra Tỉnh ủy được phân công theo dõi, sâu sát cơ sở nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, giáo dục, uốn nắn các khuyết điểm, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng. Từ tháng 7/1971, Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ được thành lập lại. Riêng huyện Vĩnh Linh, từ năm 1954 đến năm 1975, là Đặc khu trực thuộc Trung ương nên đã được cử Ủy ban Kiểm tra hoạt động liên tục đến khi sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên (tháng 5/1976).
Sau khi tái lập tỉnh Quảng Trị (năm 1989), ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị quán triệt sâu sắc mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát được đề ra qua các kỳ đại hội Đảng, nhất là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) - nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đề ra, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được kết quả đáng khích lệ. Qua kết quả tổng kết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thể hiện: Trong hơn 10 năm, cấp ủy các cấp và các chi bộ đã kiểm tra 4.663 tổ chức đảng và 3.486 đảng viên; giám sát đối với 3.712 tổ chức đảng và 3.945 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 10 đảng viên; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và các chi bộ đã thi hành kỷ luật 38 tổ chức đảng và 2.477 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 210 tổ chức đảng và 773 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 2.208 tổ chức đảng; kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 737 tổ chức đảng; giám sát đối với 2.909 tổ chức đảng và 3.632 đảng viên; giải quyết tố cáo đối với 24 tổ chức đảng và 200 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 15 đảng viên. Cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, uỷ ban kiểm tra các cấp thường xuyên thực hiện tốt các nhiệm vụ do cấp uỷ giao; trong đó tham gia tích cực, phục vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng.
Qua các giai đoạn lịch sử, Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ ngày càng được củng cố, phát triển. Từ chỗ ban đầu Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ có chỉ có 6 đồng chí, đến nay Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ có 11 đồng chí ủy viên, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ có gần 30 đồng chí; hệ thống tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra được hình thành đồng bộ từ tỉnh đến các đảng bộ cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 86 cán bộ chuyên trách, hơn 1.000 cán bộ kiêm nhiệm và hơn 2.800 cán bộ phụ trách công tác kiểm tra của chi bộ. Điều đáng tự hào từ kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp uỷ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; chủ động ngăn ngừa, hạn chế khuyết điểm, sai phạm, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ngày càng trong sạch vững mạnh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; góp phần tăng cường, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Thời gian tới, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị đã không ngừng lớn mạnh, nhiều thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra nối tiếp nhau đã kế thừa, giữ vững và phát huy truyền thống của ngành. Với những thành tích đạt được, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2017; ngành Kiểm tra Đảng tỉnh vinh dự được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng ba bức trướng với nội dung “Xây dựng, cống hiến và trưởng thành”, “Tận tụy, kỷ cương, công tâm, tuyệt đối trung thành với Đảng”, “Trung thành, bản lĩnh, dũng khí, khoa học”. Nhiều tổ chức và cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, cờ thi đua, bằng khen của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Có được công lao, thành tích và bề dày truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị hôm nay, đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Kỷ niệm 70 năm thành lập, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Quảng Trị luôn trân trọng, giữ gìn, vun đắp truyền thống tốt đẹp của ngành; quyết tâm khắc phục khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với niềm tin và phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” và thấm nhuần phương châm “Công minh, chính xác, kịp thời”; không ngừng rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
|