Ngân hàng Trung ương Nga ngày 20/1 đề xuất cấm sử dụng và "đào" tiền kỹ thuật số trên lãnh thổ nước này, với lý do lo ngại các mối đe dọa đối với ổn định tài chính.
Động thái trên được xem là hành động mới nhất trong nỗ lực quản lý tiền kỹ thuật số trên toàn cầu khi các chính phủ từ châu Á đến Mỹ đều lo ngại rằng các loại tiền kỹ thuật số do tư nhân vận hành và có độ biến động lớn có thể làm suy yếu quyền kiểm soát của chính quyền đối với các hệ thống tài chính và tiền tệ.
Trong báo cáo, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nhu cầu đầu cơ chủ yếu đối với đồng tiền kỹ thuật số là do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của đồng tiền này. Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo về bong bóng tiềm ẩn trên thị trường, đe dọa sự ổn định tài chính và người dân.
[Thông tin đáng kinh ngạc về lượng phát thải của các giao dịch bitcoin]
Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất ngăn chặn các tổ chức tài chính thực hiện bất kỳ hoạt động nào với tiền kỹ thuật số và cho biết các cơ chế cần được phát triển để ngăn chặn các giao dịch mua hoặc bán tiền kỹ thuật số cho các loại tiền được thừa nhận. Lệnh cấm được đề xuất bao gồm các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số.
Tuy nhiên, người đứng đầu bộ phận ổn định tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga Elizaveta Danilova cho hay việc sở hữu tiền kỹ thuật số dự kiến sẽ không nằm trong các đề xuất hạn chế đối với tiền kỹ thuật số.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết người dân có lượng giao dịch tiền kỹ thuật số vào khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.
Nga là quốc gia có lượng người đào tiền kỹ thuật số bitcoin lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Kazakhstan dù nước này có thể chứng kiến sự di cư của “thợ mỏ” vì lo ngại chính quyền thắt chặt các quy định sau tình trạng bất ổn hồi đầu tháng 1 này./.
Hà Chung (TTXVN/Vietnam+)