Ngân hàng Thế giới kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo 

(ĐCSVN) – Ngày 5/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng, đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) có thể gây ra khủng hoảng nợ tại một số quốc gia, do đó các nhà đầu tư phải sẵn sàng cho một số hình thức giảm nhẹ gánh nặng cho các nước nghèo, bao gồm việc xóa nợ.
Ngân hàng Thế giới kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo

Trả lời phỏng vấn Nhật báo kinh doanh Handelsblatt (Đức) ngày 4/10, ông Malpass cho biết: “Rõ ràng, một số quốc gia không thể trả được nợ, do đó chúng ta phải giãn hoặc xóa nợ”.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm nợ thông qua tái cơ cấu. Chủ tịch WB đã chỉ ra các bước đi tương tự trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây ở Mỹ Latinh và sáng kiến giảm nợ dành cho các nước nghèo có nợ cao (HIPC) trong những năm 1990s.

Chủ tịch World Bank David Malpass cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể đẩy 100 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực. (Ảnh: independentpress.cc)

Vào tháng trước, các nước giàu đã ủng hộ việc gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Sáng kiến này được thông qua hồi tháng 4/2020 nhằm giúp các nước đang phát triển sống sót trước các tác động của đại dịch COVID-19. Sáng kiến này đã giúp 43 trong tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện được giãn nợ trị giá 5 tỷ USD trong khu vực chính thức.

Tháng 8 vừa qua, ông Malpass cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể đẩy 100 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực. Ông David Malpass tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng tư nhân và các quỹ đầu tư.

“Rõ ràng, các nhà đầu tư này vẫn chưa tham gia tích cực và tôi cảm thấy thất vọng về điều đó”, ông Malpass cho hay. Theo Chủ tịch WB, chính việc này đã khiến hiệu quả của các biện pháp cứu trợ giảm nhiều tác dụng. Ông Malpass cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể gây ra một cuộc khủng khoảng nợ khác do một số nước đang phát triển đã rơi vào tăng trưởng yếu và bất ổn tài chính.

“Thâm hụt ngân sách và các khoản nợ đang gây ra những áp lực lớn lên các nền kinh tế này, trong khi các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn khi đối mặt với các khoản nợ xấu,” ông nhận định.

Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, các quan chức G20  đã đồng ý hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới cho đến hết năm 2020. Đây là quyết định nhanh chóng và phù hợp trong bối cảnh các đại dịch COVID-19 gây ra các tác động vô cùng tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới. Việc đóng băng khoản nợ cả gốc lẫn lãi của G20 cho các quốc gia nghèo nhất thế giới đã giúp giải phóng hơn 20 tỷ USD để các quốc gia này cải thiện hệ thống y tế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva hoan nghênh quyết định nhanh chóng của G20 trong việc tạm ngưng thanh toán các khoản nợ cho các quốc gia nghèo trên thế giới. Bà cho rằng, “việc hoãn thanh toán nợ trong thời điểm này là vì lợi ích của tất cả mọi người, khi toàn nhân loại, không kể các quốc gia phát triển hay đang phát triển, đều đang phải chống chọi với đại dịch toàn cầu”.

Cũng trong tháng 6/2020, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí ủng hộ chương trình giãn nợ nhằm giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó trước tác động của đại dịch COVID-19. Các Bộ trưởng G7 cho rằng, việc hoãn trả nợ đến hết năm 2020 sẽ giúp các nước có thêm nguồn tài chính để tài trợ cho các biện pháp xã hội, y tế nhằm đối phó dịch bệnh./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, worldbank.org)
274 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 666
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 666
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76995363