Trong bối cảnh giá dầu tăng cao đang cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã giảm 50 điểm cơ bản dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính 2022-2023 (bắt đầu từ ngày 1/4) xuống còn 7,9%, đồng thời tăng dự báo lạm phát bán lẻ lên 6% và thâm hụt tài khoản vãng lai lên 3% GDP - mức cao nhất trong 10 năm qua.
Báo cáo của Morgan Stanley nêu rõ: "Mặc dù kỳ vọng xu hướng phục hồi theo chu kỳ sẽ tiếp diễn, chúng tôi đánh giá quá trình này sẽ yếu hơn so với dự báo trước đây. Những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra sẽ làm trầm trọng thêm các rủi ro bên ngoài và gây lạm phát dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế."
Theo Morgan Stanley, kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng thông qua các kênh chính là giá dầu và các mặt hàng khác tăng cao, thương mại và các điều kiện tài chính thắt chặt, ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh/đầu tư.
[Nga hướng tới tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng]
85% nhu cầu dầu mỏ của nước này phụ thuộc vào nhập khẩu và tình trạng giá dầu quốc tế tăng vọt thời gian gần đây sẽ khiến New Delhi phải chi nhiều hơn cho mặt hàng này.
Ngoài ra, giá cả tăng cao sẽ gây sức ép lạm phát. Kênh tác động chính đến nền kinh tế Ấn Độ sẽ là lạm phát tăng cao tạo áp lực giá lớn hơn, ảnh hưởng đến tất cả các tác nhân kinh tế - hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.
Tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) cũng dự báo GDP của nước này sẽ tăng 7,8% trong tài khóa 2022-2023, so với mức 9,2% dự kiến đạt được trong tài khóa 2021-2022, do những bất ổn liên quan đến đại dịch COVID-19 và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao./.
Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)