Sáng 1/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch.
Qua thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cho việc thực hiện các quy định có liên quan thống nhất với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2019, tránh việc tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi cần phải rà soát kỹ lưỡng, không nên có sự thay đổi về chính sách ở các luật mà chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề để bảo đảm cho phù hợp với Luật Quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh về sự cần thiết ổn định của quy hoạch. Đại biểu nêu dẫn chứng, mấy chục năm qua, thành công của một số lĩnh vực là nhờ quy hoạch đúng như: hàng không, công nghệ thông tin, điện lực đi đúng hướng, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Nghĩa cho rằng quy hoạch là nguồn cơn của thiệt hại, nhiều quy hoạch đúng nhưng sau đó bị phá hỏng, điều chỉnh méo mó đi theo lợi ích nhất thời hoặc bị tác động nhất định của nhóm lợi ích: “Tất nhiên khi quy hoạch vẫn có điều chỉnh, nhưng điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa chứ không phải giải pháp tình thế hay những áp lực nhất định”, đại biểu Nghĩa lưu ý.
Dẫn ví dụ đô thị các nước phát triển, đặc biệt vùng nông thôn đại biểu Nghĩa khẳng định họ quy hoạch rất hợp lý. Như Sài Gòn trước đây, cửa hiệu bán thuốc Tân dược thôi cũng được sắp xếp phù hợp. Cần phải cụ thể, từ việc phát triển các khu vui chơi, tiện ích, giải trí cách trường học bao xa. Hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng cần phải được làm chi tiết, thậm chí là đến từng quận/huyện, phường/xã..., đại biểu Nghĩa đề nghị.
Theo đại biểu Nghĩa, dự án luật này đụng đến nhiều ngành, chính vì vậy việc chỉnh sửa phải hết sức thận trọng. Có điểm không chỉ điều chỉnh cho đồng bộ, lại còn gây tác động đối với những luật hiện hành. Trên tinh thần đó, đại biểu Nghĩa đề nghị không nên vội, vì đụng đến hàng chục luật khác.
Mặt khác, đại biểu Nghĩa cũng đồng tình bỏ quy hoạch tổng thể công chứng là đúng, tuy nhiên lưu ý hoạt động công chứng không giống như là massage, karaoke. Hậu quả của công chứng nếu xảy ra rất lớn: “Người ta làm giấy đến 20 năm mở ra, rất nhiều tài sản quý giá. Nếu chúng ta quản lý không chặt chẽ 5-7 năm sau phòng công chứng đó đi đâu mất thì sao chúng ta xét xử được”, đại biểu Nghĩa nói và đề nghị bỏ quy hoạch tổng thể nhưng không thể bỏ quy hoạch ở các vùng sâu, vùng xa mà Nhà nước phải có trách nhiệm.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) nhấn mạnh, nguyên tắc rà soát các quy hoạch để sửa đổi, bổ sung phải lấy Luật Quy hoạch làm chuẩn. Mỗi loại quy hoạch có nhiệm vụ riêng, ở cấp độ khác nhau, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì không nên có sự chồng lấn. Do đó, cần xác định nhiệm vụ, nội dung của quy hoạch xây dựng để không chồng chéo, trùng lắp với các quy hoạch khác.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, một trong những nguyên tắc quan trọng của hoạt động quy hoạch là đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn cho doanh nghiệp và người dân, đây cũng là một trong những mục tiêu được đề ra khi ban hành Luật Quy hoạch. So với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định thêm hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục giản đơn hơn. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng phạm vi và mức độ điều chỉnh theo hình thức này lại không được quy hoạch cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức điều chỉnh này, dẫn đến việc điều chỉnh tùy tiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không đảm bảo nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Thành chỉ ra, thời gian qua tình trạng điều chỉnh quy hoạch xảy ra rất nhiều, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội. Điển hình là việc điều chỉnh xây dựng các chung cư cao tầng trong nội đô, cho phép điều chỉnh chức năng công ích của nhiều diện tích đất trong quy hoạch dành cho giáo dục, y tế… làm biến dạng quy hoạch, phá vỡ kết cấu hạ tầng. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần có quy định để làm rõ vấn đề này trong dự thảo Luật./.
Minh Thư